Ảnh: Internet
Hàng năm cứ vào mùa hè lại xảy ra nhiều vụ trẻ bị đuối nước khi đi tắm biển, ao, hồ. Rất nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra vì khâu sơ cứu không đúng cách.
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết: "Đuối nước là một dạng của ngạt do hít nước vào phổi hoặc tắc đường thở vì co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Hậu quả cuối cùng là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong."
Những trường hợp trẻ đuối nước thương tâm
Theo bác sĩ Toàn, hàng năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước. Tuy nhiên, điều đáng buồn là có nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện quá muộn hoặc người lớn sơ cứu không đúng cách.
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn (Ảnh: Dương Dương)
"Tình trạng thiếu ô xi đến phút thứ 4 sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Không ít trường hợp trẻ được cứu sống nhưng bị liệt một phần cơ thể hoặc sống thực vật chỉ vì không được sơ cứu đúng cách", bác sĩ Hòa cho biết.
Chia sẻ về một số trường hợp trẻ đuối nước, bác sĩ Toàn nói: "Trường hợp gần đây nhất mà tôi tiếp nhận là một cháu bé 6 tuổi ở An Thượng, Hải Phòng bị ngã xuống ao gần nhà. Do ông của cháu không biết cách sơ cứu nên khi được đưa đến bệnh viện, cháu ở trong tình trạng hết sức nguy kịch. Chúng tôi đã rất cố gắng nhưng vì thiếu ô xi quá lâu, mạng sống được cứu nhưng cháu phải sống thực vật".
Bác sĩ còn cho biết về trường hợp của hai anh em tắm ao mà không có người lớn đi cùng. Thấy em bị đuối nước, người anh 9 tuổi lao xuống cứu nhưng kết quả cả hai đều bị đuối nước. Khi được đưa đến bệnh viện thì chỉ có cậu bé lớn tuổi được cứu sống.
"Điều quan trọng nhất khi thấy người đuối nước là không được biến mình trở thành nạn nhân tiếp theo. Nếu không biết bơi, tuyệt đối không được xuống nước cứu nạn nhân", bác sĩ Toàn nhấn mạnh.
"5 phút vàng" quyết định sự sống còn của trẻ đuối nước
Bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: 5 phút đầu tiên sau khi vớt trẻ lên là rất quan trọng. Có thể nói đây là "5 phút vàng" quyết định đến sự sống còn của trẻ. Trong thời gian này nếu như được sơ cứu đúng cách thì khả năng trẻ được cứu sống là rất cao.
Mỗi mùa hè đến, trường hợp trẻ đuối nước lại tăng lên. Những con số thực sự đáng báo động và khiến các bậc phụ huynh lo ngại. Thế nhưng, điều đáng buồn là không có nhiều người biết sơ cứu đúng cách.
Nhiều người cho rằng khi trẻ bị đuối nước, cần vác ngược trẻ lên vai và chạy để nước trong phổi trào ra, giúp trẻ hô hấp trở lại. Đây là một cách nghĩ hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Thực chất việc vác ngược trẻ lên vai có thể làm nước vào phổi sâu hơn. Chưa kể việc lồng ngực bị ép gây cản trở hô hấp, thậm chí ngừng thở. Nhiều trường hợp trẻ đã tử vong khi được sơ cứu theo cách này, nỗ lực của nhân viên y tế sau đó đều hoàn toàn vô ích.
"Ở nước ngoài, trẻ em cấp 1 cũng được hướng dẫn cách sơ cứu người đuối nước, đó là một phần của chương trình học. Thế nhưng ở một quốc gia có tỉ lệ trẻ đuối nước cao như ở Việt Nam thì điều này lại chưa được quan tâm đúng mực. Tôi thấy rất buồn khi hàng ngày vẫn có nhiều trường hợp không thể qua khỏi chỉ vì sơ cứu theo cách vác ngược lên vai", bác sĩ Hùng nói.
Những bước sơ cứu cơ bản khi trẻ đuối nước
Sau khi vớt trẻ lên cần nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu trước khi lực lượng y tế đến hỗ trợ.
Bước 1: Cho trẻ nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu trẻ có dấu hiệu bất tỉnh, đặt một tay lên trán để giữ đầu trẻ cố định đồng thời gọi trẻ để kiểm tra phản xạ. Kiểm tra nhịp thở bằng cách quan sát lồng ngực có còn chuyển động hay không.
B.s Đỗ Mạnh Hùng thực hiện bước sơ cứu thứ nhất. Việc đặt cổ trẻ nằm ngay ngắn rất quan trọng để máu được lưu thông. (Ảnh: Dương Dương)
Bước 2: Nếu trẻ không thể trả lời và có dấu hiệu ngừng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo. Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi.
Tiếp đến, việc người cấp cứu cần thực hiện là hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Hà hơi thổi ngạt cho trẻ
Ép tim lồng ngực đúng kỹ thuật phải dùng 2 tay đan vào nhau, để lên 1/3 dưới của xương ức hoặc giữa xương ức. Tay ép chạm vuông góc với thành ngực, dùng lực toàn thân chứ không riêng 2 cánh tay, đảm bảo độ lún phải đạt 5cm.
Động tác phải dứt khoát và có lực tác dụng chính xác
Ngực trẻ phải xẹp xuống từ 1/2 cho đến 1/3 lồng ngực. Bác sĩ cho biết động tác này nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực hiện rất dễ sai.
Lực tác dụng khi ép tim nếu như quá nhẹ sẽ không có tác dụng. Ngược lại, nếu quá mạnh có thể gây gãy xương của trẻ, khiến cho tình hình trở nên xấu hơn.
Bước 3: Sau khi trẻ tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích là để xem trẻ có bị phù phổi cấp không. Cần lau khô người cho trẻ, thay quần áo và ủ ấm, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.
Để tránh điều đáng tiếc xảy ra, người lớn không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát. Cần đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.