Núi Phú Sĩ nhìn từ trên cao. Video: YouTube.
Núi Phú Sĩ, biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản, có thể khiến thủ đô Tokyo tê liệt hoàn toàn nếu phun trào, sản sinh tro bụi làm nghẽn đường phố và gián đoạn nguồn cung cấp nước, theo nghiên cứu kế hoạch dự phòng thảm họa của chính phủ, Channel NewsAsia hôm qua đưa tin.
Ngọn núi quanh năm phủ tuyết trắng cao nhất Nhật Bản ở cách Tokyo 100 km về phía tây là một núi lửa đang hoạt động. Lần gần nhất núi Phú Sĩ phun trào là năm 1707. Dù ngọn núi không có dấu hiệu hồi sinh trong những thập kỷ qua, một vụ phun trào có thể phủ 10 cm tro lên trung tâm Tokyo. Lớp tro sẽ làm thủ đô tê liệt, khiến những con đường không thể đi qua, ngăn cản vận chuyển hàng hóa và hoạt động đi lại của người dân.
Theo nghiên cứu, chỉ 0,5 cm tro cũng có thể gây hỏng hóc cho xe cộ trong khi 1 cm tro có thể dẫn tới mất điện trên diện rộng và làm hỏng hệ thống lọc nước. Noriko Urata, cán bộ phụ trách nghiên cứu thảm họa, xác nhận chính phủ đang đánh giá tác động của vụ phun trào núi lửa và chuẩn bị các biện pháp xử lý. Trước đó, chính phủ ước tính núi Phú Sĩ phun trào có thể gây thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.
"Nhưng nếu chúng ta tính cả ảnh hưởng tới ngành hàng không và các hình thức giao thông khác cũng như cơ sở hạ tầng thứ cấp, chi phí có thể vượt xa con số đó", Toshiyasu Nagao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dự đoán Động đất của Đại học Tokai. “Núi Phú Sĩ được phân loại là núi lửa trẻ. Sẽ không có gì bất ngờ nếu núi Phú Sĩ phun trào bất cứ lúc nào trong tương lai gần”.
Nhật Bản, với hơn 110 núi lửa đang hoạt động, nằm ở Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra nhiều trận động đất và núi lửa phun trào trên thế giới. Vào ngày 27/9/2014, Nhật Bản hứng chịu vụ phun trào tồi tệ nhất trong gần 90 năm khi núi lửa Ontake ở tỉnh Nagano, bất ngờ hồi sinh, khiến khoảng 63 người thiệt mạng.