Thiếu nguyên liệu sản xuất
Dược sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý dược, sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Thực ra, thuốc Salbutamol dùng để điều trị viêm phế quản, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính... Thuốc có tác dụng giãn các cơ trên đường hô hấp, tử cung... Khối lượng thuốc dùng để điều trị bệnh rất nhỏ, mỗi lần dùng chỉ từ 2 mg/lần, ngày 3-4 lần. Trước đây, nguyên liệu nhập vào để sản xuất thuốc dễ hơn. Tuy nhiên từ ngày 1/1/2017, khi Nghị định 54 có hiệu lực, việc nhập nguyên liệu sản xuất thuốc Salbutamol khó hơn".
"Trước đó, những nguyên liệu này bị một số đơn vị sử dụng sai mục đích nên bộ Y tế và cơ quan chức năng liên quan đưa vào diện quản lý đặc biệt, tránh sử dụng vào việc chăn nuôi trong nông nghiệp. Do đó, hiện nay, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã được siết chặt hơn. Và như vậy, nếu tình trạng thiếu thuốc xảy ra, có thể do việc dự trữ cũng như dự báo thuốc không hiệu quả. Bởi lẽ, chỉ có cục Quản lý dược mới có thẩm quyền cho nhập nguyên liệu để sản xuất thuốc. Các sở, ban ngành địa phương không có chức năng này. Nếu địa phương nào thiếu, cần phải kiến nghị lên cục Quản lý dược để có biện pháp xử lý", ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, hiện, các doanh nghiệp sản xuất thuốc tại TP.HCM chưa báo cáo về tình trạng thiếu loại thuốc nói trên. Do đó, đến thời điểm này, phòng Quản lý dược vẫn chưa có thông tin thiếu thuốc Salbutamol. Tuy nhiên, theo ông Dũng, từ trước đến nay, việc dự trữ thuốc được các công ty sản xuất nắm và dự báo rất tốt, nên tình trạng thiếu thuốc là khó xảy ra.
|
Phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh hô hấp tại TP.HCM.
|
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Văn, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, thực tế, nhu cầu thuốc Salbutamol dùng để chữa bệnh trong các bệnh viện tại tỉnh Đồng Nai là có và cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương xuất hiện tình trạng hết thuốc tại nhiều bệnh viện. Do đó, mới đây, sở Y tế tỉnh này đã tổ chức đấu thầu thuốc Salbutamol để các đơn vị cung ứng thuốc cho các bệnh viện tại địa phương. "Thế nhưng, thực tế không có đơn vị nào tham gia, vì tình trạng chung là các đơn vị đều hết nguyên liệu sản xuất thuốc. Trước tình hình đó, sở Y tế Đồng Nai đã báo cáo khẩn với cục Quản lý dược để có giải pháp thích hợp. Thuốc được các bệnh viện sử dụng thuộc hàm lượng nhỏ như Salbutamol 2mg, 4mg, dạng viên nén. Salbutamol hàm lượng 4mg dùng điều trị bệnh hen suyễn cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, liều dùng từ 3-4 lần/ngày”, ông Văn cho biết thêm.
|
Thuốc Salbutamol 4mg dạng viên nén trị các bệnh hô hấp.
|
Trong khi đó, theo vị đại diện công ty Dược phẩm Vacopharm tại Long An, công ty đã trúng thầu cung ứng thuốc Salbutamol tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Tuy nhiên, nguồn thuốc để cung cấp cho các bệnh viện đã hết khoảng một năm nay. "Nguyên nhân là do có sự thay đổi trong việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc. Do đó, một năm nay, công ty chúng tôi không có nguyên liệu để sản xuất Salbutamol", vị này cho biết thêm.
Được biết, trước đó, một số đơn vị sử dụng nguyên liệu Salbutamol sai mục đích. Để hạn chế tình trạng trên, cục Quản lý dược đã đưa sản phẩm này vào diện quản lý đặc biệt từ năm 2017. "Công ty chúng tôi đã làm đề xuất xin được nhập nguyên liệu sản xuất thuốc Salbutamol, nhưng đến nay vẫn chưa được phép nhập. Mong là tới đây, cục Quản lý dược sớm chấp thuận với đề xuất hồ sơ xin nhập nguyên liệu sản xuất thuốc của chúng tôi để công ty có kế hoạch sản xuất thuốc, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện trong cả nước. Đặc biệt, các sở y tế tại vùng Nam Bộ như sở Y tế An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, TP.Cần Thơ, Sóc Trăng...”, vị đại diện công ty Dược phẩm Vacopharm tại Long An nêu ý kiến.
Thuốc được quản lý theo dạng đặc biệt
Cũng theo vị này, nếu các bệnh viện hết thuốc do các đơn vị cung ứng trong nước sản xuất (cụ thể là thuộc nhóm 3: Thuốc sản xuất trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO –GMP do bộ Y tế cấp giấy chứng nhận, theo Thông tư 11-2016 của bộ Y tế) thì có thể sử dụng thuốc của 4 nhóm còn lại, do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, giá cả sẽ đắt đỏ hơn. Nếu so với giá thuốc được sản xuất trong nước, sử dụng thuốc ngoại, người bệnh sẽ phải trả chi phí cao hơn rất nhiều.
Cũng theo vị đại diện cục Quản lý dược, từ cuối năm 2015, cục Quản lý dược bộ Y tế cho rằng, thuốc có chứa Salbutamol là thuốc thuộc danh mục thiết yếu của tổ chức Y tế thế giới với chỉ định trong điều trị bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và chống đẻ non. Trước đó, do một số doanh nghiệp, cá nhân sử dụng thuốc sai mục đích để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Từ cuối năm 2015, cục Quản lý dược đã phối hợp với bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bộ Công an thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn việc sử dụng chất Salbutamol sai mục đích. Từ khi Nghị định 54/2017 của Chính phủ về luật Dược có hiệu lực, việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc Salbutamol trở nên khó khăn hơn vì phải tuân theo những quy định chặt chẽ hơn trước.
Chia sẻ với PV, một bác sĩ chuyên về điều trị hô hấp cho trẻ tại tỉnh Đồng Nai nhận định: “Việc quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc Salbutamol của bộ Y tế là việc hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cho người dân. Thế nhưng, việc hết thuốc điều trị cho bệnh nhân cũng quan trọng không kém. Nhất là trong thời gian chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tại các tỉnh Nam Bộ, các bệnh về hô hấp tăng, nguồn thuốc cho người bệnh là rất quan trọng. So với thuốc ngoại có cùng thành phần như thuốc sản xuất trong nước, giá thành thuốc ngoại cao hơn nhiều. Theo tôi, cục Quản lý dược nên có biện pháp cho đơn vị có nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc để thuận tiện cho người bệnh”.
Thuốc ngoại cao gấp chục lần thuốc nội
Trao đổi với PV, đại diện công ty Dược tại TP.HCM cho biết: “Nếu các bệnh viện hết thuốc Salbutamol do các công ty trong nước sản xuất, thì hội đồng Thuốc của bệnh viện có thể cho bệnh nhân dùng thuốc được sản xuất ở nước ngoài có cùng thành phần, được bộ Y tế cho phép sử dụng. Tuy nhiên, người bệnh phải chi trả giá thuốc cao hơn. Chẳng hạn, khi công ty chúng tôi đấu thầu với một bệnh viện tại tỉnh Sóc Trăng, giá trúng thầu một viên nén Salbutamol hàm lượng 2mg chỉ có giá 90 đồng/viên. Nhưng để người bệnh mua thuốc ngoại, có thể giá sẽ cao hơn hàng chục lần”.
|
Let's block ads! (Why?)