Ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều trường hợp đến khám về dạ dày do đau âm ỉ kéo dài 1-2 tháng ròng rã và khi xét nghiệm mới biết mình dương tính với vi khuẩn HP.
TS.BS Nguyễn Công Long, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai cho biết, đau dạ dày là một triệu chứng thường gặp ở nhiều người và nó có thể là dấu hiệu cho biết chúng ta đã bị viêm loét dạ dày. Căn bệnh này rất dai dẳng, gây khó chịu trong nhiều năm liền và có thể gây nên những đợt cấp tính rất nguy hiểm, thậm chí có thể phát triển thành ung thư dạ dày.
Nguyên nhân nào dẫn đến loét dạ dày?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày nhưng nhìn chung, có 3 nguyên nhân chính:
- Do dùng các thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid, aspirin và một số loại thuốc khác.
- Do stress tâm lý, thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày như cà phê, ớt, chanh, dấm... dẫn tới việc dạ dày tiết nhiều axít.
- Do loại vi khuẩn HP trong dạ dày. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất.
Một con số thống kê cho thấy 70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn HP, nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư. Vi khuẩn HP có thể gây ra loét dạ dày, loét hành tá tràng, ung thư dạ dày và một số bệnh khác, song không phải ai nhiễm HP đều bị những bệnh này. Chúng có mặt trong cơ thể của một nửa dân số thế giới.
70% người Việt nhiễm vi khuẩn HP (Ảnh minh họa). |
Vi khuẩn HP là gì?
HP là một loại xoắn khuẩn gram âm, dài khoảng 2,5 mm và rộng 0,5 mm, có 4-6 roi nên dễ di chuyển trong lớp chất nhầy của niêm mạc dạ dày và đây cũng là môi trường trú ngụ của chúng. Chính lớp chất nhày dạ dày đã bảo vệ cho vi khuẩn khỏi sự tác động của axit có trong dịch vị.
HP có nhiều men để giúp chúng tồn tại, phát triển và gây bệnh tại dạ dày như men urease: một loại men thủy phân ure (chất có sẵn trong dạ dày) thành ammoniac và từ đó tạo ra môi trường axit thích hợp cho vi khuẩn phát triển nhưng lại gây tổn thương loét cho niêm mạc dạ dày. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy HP là thủ phạm chính gây tổn thương niêm mạc dạ dày, thậm chí gây ung thư.
Triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn sớm:
Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng. Khi bệnh đã tiến xa, bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau ăn, buồn nôn và ói mửa, sụt cân nhanh. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải là triệu chứng đặc hiệu của ung thư nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác ở dạ dày như viêm loét dạ dày hay rối loạn tiêu hóa nên khi bệnh được phát hiện thì ung thư đã di căn xa. Vì thế khi có các triệu chứng trên kéo dài, người bệnh nên đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.
Con đường lây và cách loại bỏ vi khuẩn HP:
Để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.
Hiện nay y học chỉ ra có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP khá rõ nét là qua đường ăn uống và qua phân. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
TS.BS Nguyễn Công Long cho rằng, diệt trừ HP thường sử dụng phác đồ điều trị ba thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, có trường hợp cần phải điều trị nhiều lần bằng những phác đồ khác nhau.
Ngân Giang