Anh Nguyễn Thanh Tùng ở Thanh Trì (Hà Nội) bị thoát vị đĩa đệm gây đau lưng. Biết đi bơi sẽ giúp cho cột sống được kéo giãn, giảm áp lực lên nhân nhầy đĩa đệm, giảm đau lưng, anh Tùng chăm chỉ đến các bể bơi. Nhưng bơi được một thời gian, anh thấy mình bị mẩn ngứa nổi mụn khắp người, đi khám mới biết bị viêm da do dị ứng chất tẩy trong nước bể bơi.
Chưa khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm, anh Tùng lại phải chữa viêm da. Ảnh: PN. |
Không bị viêm da nặng giống anh Tùng, chị Hoàng Minh Phương ở Đại Kim (Hà Nội) lại bị cay mắt và buồn nôn mỗi khi xuống bể bơi. Mẹ con chị ngày nào cũng đi bơi, nhất là những ngày nóng nóng. Cứ cuối giờ chiều, con chị đòi ra bể bơi dù ra đó cũng chỉ ngâm nước do bể ken kín người.
Từng khảo sát chất lượng nước bể bơi ở Hà Nội, PGS Cao Thế Hà, phụ trách phòng Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định nước ở phần lớn bể bơi không đạt vệ sinh.
Do không được thau rửa liên tục, bể tích lũy chất bẩn. Nhiều người xuống bể mang theo vi khuẩn, thậm chí tiểu tiện ngay dưới bể. Vì thế, chủ các bể bơi thường tăng nồng độ clo trong nước để khử trùng.
Đi bơi đang là giải pháp "hạ nhiệt" được nhiều người dân lựa chọn. Ảnh: PN. |
Một nghiên cứu trước đó của Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM qua 84 mẫu nước hồ bơi ở TP HCM cũng cho thấy 100% mẫu không đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ và clo dư trong nước. Vào các ngày thứ bày và chủ nhật, các hồ bơi bị nhiễm vi sinh và vi phạm chỉ tiêu pH.
Theo PGS Hà, việc ngụp lặn trong môi trường nước này dẫn đến các nguy cơ trước mắt là bệnh về da. Những cơ quan nhạy cảm của cơ thể, như mắt mũi... có thể bị viêm nhiễm.
Theo quy định, hàm lượng clo dư trong nước sinh hoạt là 0,3-0,5 mg/l. Nếu hàm lượng clo dư trong nước quá cao có thể gây nên một số triệu chứng, như: dị ứng, viêm mũi, hen xuyễn, da khô sạm, viêm kết mạc...
“Đúng ra việc xử lý clo phải làm lúc bể bơi nghỉ và bổ sung lượng nước mới cho cân bằng. Việc thau rửa toàn bể phải thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, vào những dịp cao điểm, rất ít bể bơi được làm sạch trong sự kiểm soát cần thiết”, ông Hà nhấn mạnh.
Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội có 272 bể bơi. Trong đó, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã giám sát 100% bể bơi, khu vui chơi dưới nước hoạt động dịch vụ trên địa bàn. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội giám sát đột xuất một lần/năm tối thiểu 50% số bể bơi trên địa bàn. Các đơn vị có chỉ tiêu chất lượng nước không đạt quy chuẩn sẽ bị yêu cầu khắc phục và gửi kết quả kiểm tra chất lượng nước cho trung tâm.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chỉ giám sát vệ sinh, lấy mẫu làm xét nghiệm chất lượng nước tại 35 đơn vị. Kết quả phát hiện chỉ có một cơ sở có chỉ tiêu vi sinh là Coliforms không đạt quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng, sẽ khó khẳng định chất lượng nước bể bơi đảm bảo khi để tự cơ sở gửi kết quả chất lượng nước. Thêm nữa, việc kiểm tra cần được tiến hành vào dịp cao điểm thì mới đáp ứng yêu cầu chứ không phải những ngày trời mát, hay mùa đông bể đang trong trạng thái “nghỉ”.
Tiêu chuẩn đối với nước bể bơi Độ Clor dư trong nước: luôn từ 0,4 đến 1 PPM. + Độ PH: 7,2-7,6. + Độ cứng: 200 mg/lít. + Độ kiềm: 50 đến 100 mg/lít. + Chuẩn kali phải dưới 1%. + Nước hồ phải trong, nhìn thấy rõ toàn bộ đáy hồ và không có mùi vị lạ. + Màu nước không quá 10 độ côbalt. + Nhiệt độ nước không quá 20-26 độ C. - Độ pH chuẩn là 7.2-7.6 pH. Độ pH trong nước hồ bơi là yếu tố hàng đầu đánh giá sự đạt chuẩn của nước hồ bơi. Đây là chỉ số rất quan trọng ảnh hưởng tới tác dụng khử trùng của Clorine, đảm bảo về an toàn sức khỏe, tạo sự thoải mái cho người bơi cũng như độ bền của thiết bị bể bơi. - Khi pH > 7.6, tức là độ pH trong nước ở mức cao hơn bình thường dẫn tới việc các chất diệt khuẩn sẽ mất tác dụng và tăng khả năng tạo cặn vôi trong thiết bị và đường ống, đồng thơi bị giảm lưu lượng nước lọc qua hệ thống. - Khi pH < 7.2 sẽ gây xót mắt và khô tóc cho người bơi, rất có hại cho sức khỏe người sử dụng. |
Ban Khoa học
No comments:
Post a Comment