Có con gái sinh năm 2012, chỉ còn chưa đầy tháng nữa sẽ vào lớp 1, ngay từ sau đầu năm nay, vợ chồng chị Bình, ngụ ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đã lo đi tìm trường tiểu học cho con. Trên địa bàn phường nhà chị, có ba trường tiểu học công lập. Trong đó, trường Lý Tự Trọng gần nhà nhất, bé có thể đi bộ. Còn trường Nguyễn Khuyến là trường điểm của quận. Đây là hai ngôi trường mà anh chị đã chấm từ trước.
Theo hộ khẩu, con gái chị được xếp vào trường Lý Tự Trọng. Có điều năm nay trường thông báo không tổ chức bán trú vì lượng học sinh tăng đột biến. Hỏi lại trường Nguyễn Khuyến, chị được biết, lớp bình thường bán trú với học phí khoảng 1,8 triệu/tháng đã kín chỗ, chỉ còn lớp chất lượng cao với học phí 5 triệu/tháng, bằng nửa tháng lương của chị.
Nếu con học lớp chất lượng cao, anh chị cũng sẽ phải cho bé nghỉ học tiếng Anh ở trung tâm để giảm gánh nặng tài chính cho bố mẹ. Còn nếu con học ở Lý Tự Trọng, anh chị không thể nhờ ai trông hộ được nên sẽ phải về lo bữa trưa cho con, rồi lại tìm lớp để gửi buổi chiều, ảnh hưởng đáng kể đến công việc khi hai vợ chồng đều làm cách nhà chục cây số, và rất tốn kém.
"Giải pháp cuối cùng là cho con vào trường tư gần nhà có bán trú, học phí khoảng 4 triệu/tháng, nhưng tôi chưa tin tưởng chất lượng trường này, và cũng lo chi phí đó lớn quá, không kham nổi", chị Bình băn khoăn. Vợ chồng chị đến giờ vẫn chưa thống nhất được phương án chọn trường cho con. Anh chị đang hy vọng sẽ có một số phụ huynh bỏ trường Lý Tự Trọng, sĩ số học sinh giảm, và trường có thể mở một số lớp bán trú.
Lễ khai giảng năm học 2017-2018 ở trường tiểu học Kim Đồng, quận 7, một ngôi trường có tỷ lệ lớn học sinh không có hộ khẩu tại TP HCM - Ảnh: Hoàng Anh |
Có 2 con đang học tại trường An Lạc 1, quận Bình Tân, chị Hồng cũng lo lắng đứng ngồi không yên khi nghe tin năm học tới, có thể trường không mở bán trú.
"Cho con ở lại trường cũ rồi tìm cách nấu nướng bữa trưa và trông giữ trong buổi còn lại quả không đơn giản. Mà chuyển sang trường công khác thì không được vì trái tuyến. Nếu cho con học trường tư, chi phí thấp nhất cũng 4-5 triệu/tháng, hai đứa con là gần 10 triệu/tháng thì tôi sợ vợ chồng mình kham không nổi", chị Hồng băn khoăn.
Năm học trước, tiền học và ăn ở trường của mỗi con chỉ khoảng 1,3 triệu/tháng mà vợ chồng chị tháng nào cũng tiêu hết sạch tổng lương gần 15 triệu. Ông bà hai bên đều ở quê xa, nên anh chị không thể nhờ ai trông con hộ.
Trao đổi với VnExpress.net, chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Đỗ Minh Hoàng, cho hay năm nay tại TP HCM có nhiều trường do số lượng học sinh nhập học tăng cao nên không thể tổ chức bán trú. Trong đó, quận 12 và Gò Vấp là 2 quận nổi cộm do dân nhập cư đông. Mỗi năm, thành phố vẫn đón khoảng 70.000 người dân nhập cư, kéo theo lượng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố tăng cao.
Ngoài ra, áp lực sinh con năm Rồng vàng (2012) và Heo vàng (2007) cũng khiến lượng trẻ nhập học lớp 1 và lớp 6 năm nay nhiều hơn hẳn năm trước.
Tuy nhiên, ưu tiên của thành phố là phải đảm bảo cho tất cả các học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường, sau đó mới đến nâng cao chất lượng giáo dục. "Thậm chí do học sinh quá đông, một số trường còn tạm thời phải lấy các phòng chức năng làm phòng học", ông Hoàng cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khi trường bỗng dưng cắt bán trú vào năm học 2017-2018, anh Huấn, một phụ huynh có con học tại trường tiểu học Bình Triệu, Thủ Đức cho biết, anh và ba phụ huynh trong lớp đã nhờ một cô giáo trong trường đưa con về nhà, cho ăn trưa và trông giữ cả buổi chiều. Khi nào bố mẹ tan làm mới đến đón.
"Cách làm này có ưu điểm là trẻ được ăn uống tốt, bố mẹ lỡ tan ca muộn cũng yên tâm đã có cô trông. Tuy nhiên, cô giáo cũng chỉ trông được một số lượng nhất định, nếu nhiều phụ huynh đăng ký gửi quá, cô cũng không kham nổi, nên bố mẹ phải nhanh chân trước. Ngoài ra, chi phí cho việc và chăm con đã bị tăng hơn gấp đôi so với ngày trước. Do đó, áp lực kiếm tiền của bố mẹ cũng lớn hơn", anh Huấn cho biết.
Hoàng Anh
No comments:
Post a Comment