Đột quỵ, viêm não Nhật Bản, các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da... thậm chí đuối nước là những ca bệnh tăng trong những ngày nắng nóng.
Theo ghi nhận của PV tại bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân tới thăm khám và điều trị bệnh tương đối đông.
Chia sẻ với PV, TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, thời gian gần đây, khoa Hồi sức tích cực luôn trong tình trạng quá tải.
Số giường bệnh trống hầu như không còn, bệnh nhân này ra lại có bệnh nhân khác vào nằm điều trị. Thậm chí, có những bệnh nhi phải gửi nằm ở khoa Cấp cứu sau khi có giường sẽ được chuyển lên Hồi sức Cấp cứu.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, bệnh nhi viêm não Nhật Bản và đuối nước nhập viện cũng tăng đáng kể. Trong 3 ngày, khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Rất may không có bệnh nhi nào tử vong.
Các bệnh nhi đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngoài tai nạn do đuối nước và viêm não Nhật Bản, TS.BS Tạ Anh Tuấn cũng đưa ra khuyến cáo, trong những ngày nắng gắt, các bậc cha mẹ cần lưu ý tới các bệnh liên quan tới nhiễm khuẩn ngoài da. Đặc biệt một số bệnh nhiễm khuẩn liên quan tới vi khuẩn gram dương, bệnh nhân bị viêm, đau, sưng, tấy, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu.
“Trong những ngày hè nắng nóng trẻ nhỏ dễ ra mồ hôi, nếu không vệ sinh thân thể sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Những tổn thương trên da nếu không được điều trị rất dễ gây ra bội nhiễm. Có những bệnh nhi nổi mụn nhọt không được vệ sinh thân thể sạch sẽ gây bội nhiễm đã dẫn tới nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm”, BS. Tạ Anh Tuấn nói.
BSCKII Phạm Thị Trà Giang - Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Thanh Nhàn cũng thông tin, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh nhân bị tai biến do huyết áp tăng cao đột ngột bất thường. Những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 5-6 ca tai biến mạch máu não, phần lớn đến là do phát hiện muộn khi đó rất khó xử trí, tỷ lệ di chứng nặng nề hơn người đến sớm, vì họ thấy chóng mặt, đau đầu lại chỉ nghĩ là bị say nắng, say gió.
Những bệnh nhân này hầu hết đều được điều trị huyết áp trước đó nhưng không kiểm soát đúng liệu trình, cộng với thời tiết nắng nóng, gây đứt mạch máu não.
“Mùa hè và mùa đông là hai mùa bệnh đột quỵ gia tăng. Tuy nhiên, ở thời điểm mùa hè, nắng nóng cao, bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng bệnh dẫn tới tăng huyết áp cao hơn hẳn. Thời tiết nắng nóng bất thường, người cao tuổi, đặc biệt người có tiền sử huyết áp cần cẩn trọng khi ra ngoài trời nắng nóng. Nếu ngồi trong điều hòa quá lạnh, ra ngoài cũng dễ bị sốc nhiệt”, BS Giang nói.
BS Giang cho biết thêm, đột quỵ nắng nóng do hai nhóm nguyên nhân là xuất huyết não và nhồi máu. Nếu bệnh nhân nhồi máu não được đưa đến viện sớm trước 4,5 giờ sẽ được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, giảm cục máu đông. Nếu đột quỵ được nhập viện sớm dưới 6 giờ sẽ có phục hồi nhanh, giảm tỷ lệ di chứng, có thể phục hồi hoàn toàn.
Để phòng chống tai biến, đột quỵ mùa nóng, BS Giang khuyến cáo, người bệnh phải dùng thuốc kiểm soát định kỳ, dùng theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn; phải kiểm tra huyết áp ngày hai lần. Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ phải đến viện ngay.
Nguyễn Huệ
No comments:
Post a Comment