Đơn thân nuôi hai con, với thu nhập 11-15 triệu mỗi tháng từ lương và trợ cấp của chồng cũ, chị Quách Hiền tập các thói quen thắt chặt chi tiêu. Chị chọn công việc marketing cho một trung tâm thể hình ở Hà Nội, lương không cao nhưng gần nhà nên tiết kiệm được thời gian đi lại, xăng xe và sức khỏe, có thời gian dành cho con. Các thói quen của chị gồm:
- Chia nhỏ các khoản chi, bao gồm các khoản cố định và phát sinh.
- Lên kế hoạch chi tiêu thật chi tiết cho mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm và có một kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra.
- Chỉ để trong ví vài trăm dự phòng, còn cất tiền trong thẻ, không dùng internet banking để hạn chế mua sắm online bốc đồng.
- Nếu thu nhập thấp quá, chỉ đáp ứng được 30-40% dự tính chi tiêu đã ghi ra giấy thì tìm cách tăng khoản thu lên.
Dù trong ví còn hay hết tiền, chị Hiền cũng mỉm cười - Ảnh: NVCC |
Dưới đây là chia sẻ chi tiết của chị:
Bước 1: Trích 10% - 20% thu nhập cho mục đích tích lũy. Tôi chủ trương tiết kiệm trước rồi mới tiêu sau. Tôi đăng ký hình thức tự động chuyển tiền sang tài khoản tiết kiệm, một năm mới được rút một lần.
Sau một năm, tôi có 12 triệu, số tiền này sẽ được dùng để mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ. Về mặt tâm lý, tôi đã yên tâm hơn nếu không may bị đau ốm.
Bước hai: Dùng 40% - 45% thu nhập cho chi phí cố định. Trước hết, đó là tiền học chính của con. Con tôi học trường công, gần nhà, gần chỗ mẹ làm để tiện đưa đón và quản lý. Tôi cũng cho con học thêm một môn năng khiếu và một môn vận động để con có thể chất tốt.
Ưu tiên thứ hai là các sản phẩm dành cho sức khỏe, gồm thực phẩm chức năng và sữa. Từ lúc mang bầu con đầu lòng đến giờ, tôi vẫn sử dụng những sản phẩm bổ sung vi chất này cho cả ba mẹ con, vì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi mua sữa cho con, tôi mua luôn lượng cần dùng trong cả tháng, tuy hơi chật tủ lạnh nhưng bù lại thường được khuyến mãi, ví dụ mua một thùng sữa sẽ được tặng một lốc.
Tiếp theo là tiền nhà, điện, nước. Ở cùng nhà bố mẹ, không tốn tiền nhà nhưng tôi vẫn đóng góp các chi phí sinh hoạt như điện nước. Tôi cố gắng tiết kiệm nhiên liệu, dạy con cách tiết kiệm điện, nước. Ví dụ mùa hè, bật điều hòa từ 21h tối đến 1h-2h sáng thì tắt và đổi sang quạt, giúp tiền điện giảm gần 40% so với bật xuyên đêm; chỉ bật bình nóng lạnh trước khi tắm 10 phút...
Tiền ăn: Hầu hết các ngày tôi ăn ở nhà hai bữa sáng - tối, bữa trưa thì mang cơm tự nấu lên công ty. Tôi lên thực đơn cho cả tuần, ghép hợp lý sao cho không bị lãng phí thức ăn thừa. Về hoa quả, tôi không mua loại đắt tiền lại dễ bị ngấm thuốc bảo quản, thường chọn chuối hoặc hoa quả theo mùa.
Bước 3: Với 40-45% số tiền còn lại, tôi dành cho các chi phí phát sinh và cố gắng tiết kiệm ở khoản này. Tôi tiếp tục chia nhỏ khoản chi, theo ba mục: chung – cho con – cho mẹ.
Chi phí chung gồm đồ tiêu dùng hàng ngày, như kem đánh răng, xà phòng... Tôi chia thành 3 nhóm hàng, tháng này mua loại này thì tháng sau mua loại khác. Mỗi lần sẽ mua một lượng lớn đủ dùng cho 3-6 tháng và có thể nhận ưu đãi khi mua nhiều. Nếu dùng tiết kiệm, tiền dư tôi sẽ nhét lợn dành để sửa chữa thay thế đồ dùng trong nhà.
Trong chi phí chung còn có khoản giải trí của mấy mẹ con. Thường hàng tuần, con ngoan sẽ được mẹ thưởng cho con đi chơi, đi ăn ngoài, đi xem phim để đổi gió.
Chi phí dành cho con gồm quần áo và đồ dùng học tập. Tôi chỉ mua đủ dùng, gói gọn trong phạm vi 2-3 bộ đi học, 2-3 bộ ở nhà, 2-3 bộ đi chơi, một đôi xăng đan, một đôi giầy, một đôi dép lê mỗi năm. Tôi đưa con đi để con tự chọn và hướng con theo một gu thẩm mỹ nhất định. Tôi thấy đưa con đi chọn đồ có rất nhiều ưu điểm: mẹ con có thời gian bên nhau và hiểu nhau hơn, luôn chọn được đồ con thích và vừa. Tôi thường chỉ mua đồ mới cho con vào các dịp quan trọng như sinh nhật, Tết. Tôi tiết kiệm khoản trang phục cho con bằng cách sử dụng đồ cũ hoặc trao đổi đồ.
Về đồ dùng học tập, tôi quán triệt con chỉ được chi một số lượng nhất định, ví dụ một năm học được mua một bộ sách giáo khoa, một học kỳ được hai cái bút..., con tự có trách nhiệm bảo quản và giữ đồ. Nếu giữ đồ tốt, tiền dư không mua thêm, con được hưởng cả, dùng để mua những thứ con thích như bút vẽ, màu vẽ, đồ chơi. Rất may hai bé nhà tôi đều ý thức tốt điều này.
Số tiền tiết kiệm được từ khoản chi cho con (vì không phải mua thường xuyên) tôi cất đi để dành cho những việc phát sinh như 20/11, sinh nhật bạn của con – phục vụ các mối quan hệ liên quan đến con.
Về chi tiêu cho cá nhân, tôi ưu tiên cho các quan hệ cộng đồng như giao lưu bạn bè, thẻ điện thoại, xăng xe…, sau đó mới tới quần áo. Tôi không đua theo trào lưu, chỉ mua những cái mình thật thích và thực sự cần. Tôi thường mua hàng thương hiệu Việt, mua vào thời kỳ giảm giá. Có những bộ tôi mặc 3 năm rồi mà nhìn vẫn như mới. Tôi thường chọn các loại màu trung tính như trắng, đen, ghi, nude… để mặc nhiều năm vẫn sang và không bị lỗi mốt. Thêm ít phụ kiện (khăn, vòng), tôi đã có một phong cách trẻ trung, mới lạ.
Để tiết kiệm được khoản này, tôi đã áp dụng triệt để quy tắc 1:1, tức mua một đồ mới phải bỏ một đồ không dùng nữa đi. Tôi luôn giữ gìn đồ dùng cẩn thận để khi không sử dụng nữa vẫn có thể thanh lý được giá tốt.
Đặc biệt, dù khó khăn, tôi vẫn lên kế hoạch đi du lịch, quyết tâm mỗi năm đi nước ngoài một lần. Tôi chia đều số tiền cần cho chuyến đi cho 12 tháng để tiết kiệm dần. Tôi cũng cố gắng đi du lịch trong nước tối thiểu 2-3 lần/năm. Chi phí du lịch trong nước khá nhỏ, dưới 1 triệu/lần vì tôi thường kết hợp với các chương trình thiện nguyện hoặc đi cùng hội nhóm, nên tôi cắt luôn từ khoản mua sắm quần áo.
Cuối cùng là lập sổ tiết kiệm. Tôi không xấu hổ khi có một triệu cũng ra ngân hàng mở sổ. Nhiều khi buồn chán, cầm tập sổ, tự nhiên có cảm giác vui vui.
Bước cuối cùng: Tôi tiết kiệm bằng cách tăng thu nhập. Khi muốn mua một món gì, tôi gom chung những người có nhu cầu giống mình rồi đặt hàng. Các bạn vẫn gọi đùa tôi là "con bé đồng nát" vì mua bán đủ thứ trên đời, từ quần áo, tới trái cây, thực phẩm khô, thực phẩm chức năng và cả mỹ phẩm bởi tôi cần dùng gì là bán cái đó. Giá mua chung thường rẻ hơn giá mua lẻ, các bạn cũng được mua rẻ mà tôi lại có chút công làm lãi.
Hoàng Anh (ghi)
No comments:
Post a Comment