Để giúp phụ huynh nắm được nguyên nhân và triệu chứng điển hình của bệnh hô hấp mùa đông ở trẻ nhỏ, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Ths.Y học, bác sĩ Nguyễn Việt Phương, giảng viên của trường cao đẳng Y Dược Pasteur nhằm giúp cha mẹ biết cách phòng chống nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ.
Mùa đông trẻ hay bị ho. |
Hỏi: Được biết, bệnh hô hấp ở trẻ em thường tăng mạnh bất thường vào mùa đông, nhất là trong đợt lạnh kéo dài. Vậy bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân gây ra bệnh lý trên là gì?
Trả lời:
Vào mùa đông nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, thuận lợi cho tác nhân gây bệnh đường hô hấp phát triển. Các tác nhân chính gây nên bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ có thể kể đến như:
- Virus chiếm tới 60 -70% như virus hợp bào hô hấp, cúm, á cúm, Adenovirus…
- Vi khuẩn còn gặp nhiều ở các nước đang phát triển và thường gặp như phế cầu, HI, tụ cầu, liên cầu và các loại vi khuẩn gram (-)
- Mycoplasma thường gặp ở trẻ > 3 tuổi
- Ký sinh trùng và nấm cũng có thể gây nên bệnh cảnh đường hô hấp ở trẻ tuy nhiên không phổ biến.
Các tác nhân sẽ tấn công và trên nền tảng các yếu tố thuận lợi như trẻ đẻ non, trẻ dinh dưỡng kém, cơ địa dị ứng, ô nhiễm môi trường, trẻ bị các bệnh mạn tính…. càng làm cho tình trạng trẻ nặng hơn khi vào mùa đông.
Hỏi: Vậy, xin bác sĩ Phương có thể chỉ rõ những triệu chứng điển hình của bệnh hô hấp mùa đông ở trẻ nhỏ để cha mẹ dễ nhận biết?
Trả lời:
Triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh. Để nhận biết trẻ có thở nhanh hay không, ta cần đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút, với đồng hồ có kim giây. Tốt nhất là chỉ đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên không quấy, khóc.
- Trẻ dưới 2 tháng: Thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: Thở nhanh khi từ 50 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi: Thở nhanh khi từ 40 lần/phút trở lên.
Khi thấy trẻ thở nhanh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị sớm vì đây là triệu chứng sớm nhất báo hiệu là trẻ đã bị viêm phổi.
• Triệu chứng cho biết trẻ đã bị viêm phổi nặng là thở co lõm lồng ngực: khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Cần cho trẻ nhập viện vì đây là triệu chứng cho biết trẻ đã bị viêm phổi nặng, cần điều trị tích cực để tránh biến chứng và tử vong. Một cựu sinh viên đã từng theo học cao đẳng Điều Dưỡng tại trường cao đẳng Y Dược Pasteur hiện đang công tác tại một bệnh viện cũng khẳng định mùa đông chính là thời điểm số lượng bệnh nhi bị viêm phổi tăng mạnh.
• Các dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay: Tím tái, bỏ bú hoặc bú kém (bú ít hơn một nữa lượng sữa bình thường) (với trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), ngủ li bì - khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít. Đặc biệt trẻ dưới 2 tháng nếu có sốt hoặc hạ nhiệt độ, thở khò khè thì cũng là dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đi khám ngay. Khi trẻ có dù chỉ 1 trong các triệu chứng kể trên, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay vì có khả năng tính mạng trẻ đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Hỏi: Vậy bác sĩ có thể chỉ ra cách phòng tránh bệnh hô hấp mùa đông đơn giản nhất để cha mẹ có thể cho trẻ?
Trả lời:
Trước hết bạn nên bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai, xử trí kịp thời các tai biến để giảm tỉ lệ đẻ non, đẻ thấp cân, dị tật bẩm sinh.
• Đảm bảo cho trẻ được bú sữa mẹ, nuôi dưỡng hợp lý với những lưu ý như sau:
+ Bú sữa non sớm ngay từ đầu.
+ Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
+ Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng theo ô vuông thức ăn.
• Đảm bảo cho trẻ được tiêm phòng đầy đủ đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
• Đảm bảo vệ sinh môi trường:
+ Nhà ở thoáng mát, tránh khói bụi.
+ Không hút thuốc lá trong phòng chăm sóc trẻ.
• Phát hiện và cách ly hợp lý các nguồn lây.
• Khi thời tiết trở lạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn mặc đủ ấm phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài: Mặc thêm áo ấm, nón len, mang thêm bao tay, vớ, khăn… nhất là khi cần thiết phải đưa trẻ ra ngoài nhà.
• Các bậc cha mẹ cũng cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng mức vì nếu kiêng tắm, vệ sinh thân thể kém thì trẻ cũng dễ dàng mắc nhiều bệnh khác chứ không chỉ là bệnh hô hấp. Tùy theo mức độ lạnh bên ngoài, chúng ta mỗi ngày cũng cần cho trẻ tắm hoặc lau người trẻ lần lượt từng phần bằng nước ấm vào thời điểm ấm nhất trong ngày, ở nơi kín gió. Sau đó cho trẻ mặc thêm quần áo ấm, vớ, bao tay…
• Rửa tay cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và kể cả viêm phổi nữa. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn.
Trên đây là lời khuyên của Ths.Y học, bác sĩ Nguyễn Việt Phương, giảng viên của trường cao đẳng Y Dược Pasteur dành cho các bậc cha mẹ có con nhỏ để biết cách phòng chống nguy cơ mắc các bệnh hô hấp vào mùa đông, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng.
No comments:
Post a Comment