Cá sủ vàng được ví là "lộc trời" bởi giá trị cao, bong bóng của cá có thể dùng làm chỉ tự hủy trong y học, và thực phẩm từ thịt loại cá này được cho là ăn vào sẽ mang lại may mắn.
Một số người đề xuất Việt Nam nên nhân nuôi vì loài này càng ngày quý hiếm và nếu thành công còn hướng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Trần Thế Mưu, Phó Viện trưởng Viện nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp) cho biết, muốn nghiên cứu nhân nuôi thì cần có vật liệu là hàng trăm cá thể khác nhau, trong khi ở Việt Nam cá sủ vàng xuất hiện lẻ tẻ, qua vài năm người đi biển mới bắt được một con, mà hầu hết đều đã chết.
"Muốn có giống thì cần có công nghệ sản xuất giống, cá sủ vàng rất hiếm gặp nên không đủ vật liệu để sản xuất nhân tạo", ông Mưu nói và cho biết Malaysia cũng đưa ra mục tiêu nhân nuôi cá sủ vàng nhưng họ thất bại do quần thể loài quá ít.
(Video con cá nghi là sủ vàng được trả giá cao do ngư dân Nghệ An bắt được)
Cùng chung nhận định, một chuyên gia khác làm việc lâu năm trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản nêu khó khăn, cá sủ vàng sống trong môi trường đặc thù, mỗi giai đoạn sinh trưởng của chúng có tập tính khác nhau mà các nhà khoa học Việt Nam chưa có điều kiện nghiên cứu cụ thể. Hơn nữa, việc nuôi thương phẩm cũng yêu cầu phải đầu tư lớn và đội ngũ có chuyên môn thì mới mang lại hiệu quả cao.
Trái ngược các ý kiến trên, tiến sĩ Nguyễn Đức Cự, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) khẳng định: "Cá sú vàng rất quý hiếm, số lượng loài ngày càng suy giảm nên cần thiết phải thực hiện nhân giống, phục hồi. Việt Nam hoàn toàn làm được điều này nếu quyết tâm".
Là người có thời gian nghiên cứu về cá sủ vàng, nên ông hiểu khá rõ nơi phân bố cũng như tập tính của chúng. Ông cho biết, cửa sông Hồng là trung tâm sinh sản của cá sủ vàng, trước đây dân thường đi đánh bắt ở khu vực này và mỗi ngày thu được khoảng 20-30 tấn cá sủ vàng, nhà nào nghèo hồi đó cũng được ăn món bóng cá sủ vàng.
"Vào mùa sinh sản khoảng tháng 3-4, ngư dân lại đánh trống để quây bắt hàng đàn. Chính việc khai thác nhiều nên số lượng loài ngày càng cạn kiệt", ông Cự nói.
Cá sủ vàng là loài di cư, đến mùa sinh sản nó sẽ vào vùng cửa sông nước lợ, sau đó cá con sẽ ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và khi đạt khoảng 8-9 kg nó lại bơi ra biển. "Khi ra biển chúng đến vùng sumatra của Indonesia, Ấn Độ, rồi đến Sri Lanka và lại quay về cửa sông Hồng để đẻ. Vì vậy có thể nói Việt Nam là nơi có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu cá sủ vàng", ông Cự nói.
Một ngư dân Nghệ An mới đây bắt được con cá được cho là sủ vàng. Ảnh: Vân Anh. |
Theo ông Cự, dựa vào đặc tính của cá sủ vàng mà Việt Nam có thể nghiên cứu và lập mô hình sinh thái tự nhiên, ban đầu có thể chỉ hai cá thể cho sinh sản thử, sau đó là hai con khác, nghiên cứu dần sẽ thành công và trong quá trình đó phải chấp nhận rủi ro.
"Malaysia từng thành lập ra Trung tâm để bảo tồn loài cá sủ vàng, nhưng họ không thành công vì đây không phải là nơi cá tập trung vào đẻ. Còn Việt Nam thì khác, nếu chúng ta không làm được thì không quốc gia nào nghiên cứu được", ông Cự khẳng định.
Cá sủ vàng tên khoa học Otolithoides biauritus, thuộc bộ cá vược. Miệng của chúng rộng, mõm nhọn, điểm nhận dạng rõ nhất là màu vàng nghệ.
Hà Trung
No comments:
Post a Comment