Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Giang Phạm, bà mẹ đơn thân Hà Nội đang làm nghiên cứu sinh tại Nga, về lý do chị chọn đầu tư số tiền ít ỏi của mình để "mua" trải nghiệm và cùng những người thân đi đây đi đó, thay vì dành hết số tiền gửi tiết kiệm.
Năm 2015, một biến cố trong đời khiến tôi một mình phải ôm con trai ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Vốn có sở thích may vá nên thời điểm đó, sau khi thuê nhà cho hai mẹ con, ngày đi làm, tối tôi chờ con học xong, đi ngủ là lao vào may đồ thuê. Hầu như đêm nào tôi cũng thức tới 2 - 3h sáng. Sau 3 tháng cật lực và gần như kiệt sức, tôi kiếm được 30 triệu. Lúc ấy, lương nhà nước của tôi được 6 triệu/tháng. 6 tháng sau khi sống đơn thân, tôi nhận học bổng đi du học và đành để con lại nhờ ông bà chăm vì không thể cho cháu theo cùng.
Cuối năm 2015, tôi khăn gói lên đường sang Nga học với 4.000 USD cả tiền tiết kiệm lẫn tiền ứng học bổng. Sau khi ổn định cuộc sống và học tập, tôi cũng nghĩ đến việc kiếm tiền để khi về nước không phải bắt đầu từ con số không. Tôi chờ những đợt giảm giá mỹ phẩm, nước hoa bên này rồi mua gửi về nước bán. Mỗi lần như vậy cũng chỉ lãi vài triệu và tất cả tiến bán được đều được chuyển vào tài khoản của tôi tại Việt Nam. Sau một năm ở Nga, tôi về nước nghỉ hè và mở được một sổ tiết kiệm chưa đến 100 triệu đồng nhưng rất vui.
Giang Phạm. |
Vốn thích du lịch, ngoài số tiền để dành phòng khi bất trắc đó, có bao nhiêu và rảnh lúc nào vào cuối tuần, tôi dành hết cho các trải nghiệm khám phá nước Nga. Chuyến đi đầu tiên của tôi là lúc mới bước chân sang Nga được 3 tháng. Từ Maikop tôi đến Moscow, sau đó là Sochi...
Năm thứ hai ở Nga, khi ngôn ngữ tốt hơn, tôi đi khắp nơi. Chưa đầy 2 năm, tôi đã đặt chân tới 12 thành phố, trong khi nhiều nghiên cứu sinh khác chỉ quanh quẩn ở ký túc xá nên 4-5 năm học không biết chỗ nào ngoài nơi mình ở. Tôi cứ một mình lang thang, đi xe khách, đi tàu với giá rẻ nhất, luôn nằm trên giường tầng 2, cùng với những người dân địa phương nghèo. Cách này vừa tiết kiệm được tiền vừa dễ làm quen với người bản xứ để trò chuyện vì họ chủ yếu là người nghèo, rất xởi lởi, dễ mến.
Hè vừa rồi, tôi muốn đưa bố và con mình sang Nga chơi. Khi biết tôi có ý định này, một người bạn khuyên không nên bởi biết tôi không hề có tiền. Họ nói tôi hãy tiết kiệm, lúc nào kinh tế ổn nhất thì hãy cho người thân sang. Nhưng tôi vẫn quyết làm theo ý mình.
Tôi nghĩ rằng, con có thể đợi tôi tới lúc giàu hơn hoặc khi trưởng thành cháu sẽ có nhiều cơ hội để đi đó đi đây, nhưng tuổi thơ của con thì đi qua từng ngày. Tuổi già của bố tôi cũng không thể rút ngắn lại để đợi khi tôi có cuộc sống ổn định hơn. Vậy là tôi đặt vé, xin giấy mời của trường và chuẩn bị mọi thủ tục. Tôi quyết định mình có thế nào sẽ liệu để tiêu trong tầm đó.
Để có thêm tiền đưa bố và con đi chơi, tôi đã đi làm thêm ở nhà hàng vào ngày cuối tuần trong ba tháng. Đó là những ngày tháng tôi không bao giờ quên. Mùng Một Tết âm lịch, khi mọi người ở Việt Nam quây quần bên gia đình, các bạn du học sinh tụ tập đón Tết theo nhóm thì tôi đi thử việc ngày đầu tiên, cũng là ngày lạnh nhất của mùa đông, âm 33 độ C. Tôi bị xoang nên trên đường về cứ nước mũi chảy đến đâu là đóng băng đến đấy. 12 tiếng đi làm một ngày tôi được trả gần 2.000 rúp (khoảng trên 600 nghìn đồng) nên 3 tháng là tôi gom đủ tiền mua vé cho hai ông cháu sang du lịch. Tiền học bổng tôi tiết kiệm để đưa hai ông cháu đi chơi quanh thành phố nơi tôi học tập, là Saint Peterburg.
Tôi thấy tiền lúc nào cũng quan trọng nhưng không phải cứ tích cóp gửi ngân hàng hay đầu tư nhà đất mới là đầu tư. Tôi chọn đưa người thân nhất của mình đi du lịch khi mình có điều kiện đang sống và học tập ở nước ngoài.
Và đó thực sự là quyết định đúng đắn khi thấy người thân của mình được mở mang tầm mắt. Sau chuyến đi, con tôi ao ước và quyết tâm sẽ học thật giỏi để đi ra nước ngoài. Còn bố tôi - một cán bộ huyện về hưu 67 tuổi - khi đang ở Nga đã gọi điện về cho bạn bè khoe rằng ông chưa bao giờ nghĩ lại được sang một thành phố đẹp như vậy ở một đất nước xa thế. Bây giờ, sau khi đã về nước một tháng, bố vẫn hay kể với các bạn hưu về chuyến đi ấy.
Hè năm sau tôi sẽ cố kiếm việc hướng dẫn viên tranh thủ ở Nga khi diễn ra World Cup kiếm tiền mua vé về với con trai và đưa mẹ đi du lịch trong nước. Tôi chọn cách đầu tư vật chất vào phi vật chất như vậy. Cuộc sống khó lường, tôi sẽ hưởng thụ theo cách mình muốn để sau này không phải tiếc nuối.
Giang Phạm