Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ảnh: China News |
Theo một báo cáo công bố hôm 27/6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ô nhiễm đang là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 cho con người, sau bệnh tim, chế độ ăn và hút thuốc. Số người chết trên toàn cầu do liên quan tới ô nhiễm ước tính ở mức 6,5 triệu, trong đó Trung Quốc chiếm một phần đáng kể, theo SCMP.
Việc sử dụng than đá và các vật liệu hữu cơ khác trong các nhà máy công nghiệp và làm chất đốt tại nhà là những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất Trung Quốc. Gần 97% người dân nước này thường xuyên tiếp xúc với bụi PM2.5 độc hại trong không khí, khiến tuổi thọ của họ có thể bị rút ngắn tới 25 tháng. Tính riêng chất đốt tại nhà đã khiến 1,2 triệu người tử vong, báo cáo của IEA cho biết.
Năm ngoái, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã lần đầu tiên nâng tình trạng ô nhiễm không khí lên mức "báo động đỏ".
"Báo động đỏ là một dấu hiệu của sự tiến bộ trong nhận thức của chính phủ về cách thức họ phải phản ứng trong những hoàn cảnh khó khăn", Li Yan thuộc tổ chức Greenpeace ở Trung Quốc nói.
Trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2008, mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô Trung Quốc đã giảm xuống khi nhà nước đưa ra các quy định về khí thải từ ô tô và các nhà máy. Kết quả là những đứa trẻ sinh ở Bắc Kinh thời gian đó lớn hơn và khỏe mạnh hơn. Trung Quốc sẽ làm điều này một lần nữa để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra vào tháng 8.
Dù đây chỉ là những biện pháp tạm thời, nó chứng minh rằng những thay đổi, nếu được thực hiện, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều và có thể làm giảm mức độ tiếp xúc không khí ô nhiễm trên toàn Trung Quốc. Họ có thể là một ví dụ điển hình cho những nước đang phát triển cũng sử dụng than đá và vật liệu hữu cơ làm chất đốt.
Xem thêm:
Nguyễn Thành Minh