Nhà khảo cổ Dieter Noli cầm những đồng xu vàng tìm thấy từ xác tàu đắm. Ảnh: Dieter Noli. |
Theo International Business Times, The Bom Jesus là xác tàu đắm lâu đời nhất tìm thấy ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi. Những dấu vết đầu tiên của con tàu được các thợ mỏ ủi cát tìm kim cương phát hiện năm 2008.
Thay vì kim cương, nhóm thợ mỏ bắt gặp những mẩu gỗ và kim loại, thu hút sự quan tâm của Dieter Noli, nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ Hải dương Nam Phi. Noli chắc chắn đó là bằng chứng về một xác tàu đắm. Công tác khai quật giúp tìm ra 2.000 đồng xu đúc bằng vàng có niên đại từ năm 1525 đến 1538, góp phần xác định tên gọi chính xác của con tàu mà nhóm thợ mỏ phát hiện.
Nhờ ngày tháng đúc trên mặt và tình trạng bảo quản hoàn hảo của những đồng xu, các nhà khảo cổ cho rằng con tàu ra khơi vào thời điểm số tiền xu ra đời. Điều này trùng hợp với lịch trình của The Bom Jesus, khởi hành từ Ấn Độ năm 1533 trước khi mất tích. Cuốn sách Memorias Das Armadas viết vào thế kỷ 16 cũng liệt kê con tàu trong danh sách mất tích.
Theo Noli, những đồng xu được bảo quản tốt nhờ tính chất của vụ đắm tàu. The Bom Jesus nhiều khả năng va vào đá ngầm nằm dọc bờ biển Namibia, trước khi chìm xuống đáy biển trong tư thế lật úp. Một mảnh vỡ từ hông tàu có lẽ đã che chắn cho chiếc rương đựng kho báu khi nó chạm tới đáy biển.
"Chúng tôi đoán con tàu va vào đá và đổ nghiêng. Tầng trên bắt đầu vỡ vụn. Chiếc rương chứa tiền xu khi đó đặt ở buồng lái của thuyền trưởng bị văng ra và rơi xuống đáy biển một cách nguyên vẹn. Trong lúc đổ vỡ, một phần mạn tàu rơi đè lên chiếc rương và làm cong một số đồng xu. Lực va đập tác động lên chiếc rương rất lớn, nhưng nó cũng giúp bảo vệ kho báu", Noli cho biết.
Dù biển động và cát vùi khiến con tàu vỡ thành nhiều mảnh vụn, các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy hơn 5.000 đồ tạo tác có ý nghĩa quan trọng, bao gồm bát đồng, bộ đồ ăn bằng thiếc, súng hỏa mai, la bàn, kiếm, dụng cụ thiên văn. Ngoài ra, họ còn phát hiện 5 mỏ neo, thỏi đồng và hơn 50 chiếc ngà voi.
Xem thêm:
Phương Hoa