Monday, November 30, 2015

Ông tổ người Hồi giáo của ngành phẫu thuật hiện đại

ong-to-nguoi-hoi-giao-cua-nganh-phau-thuat-hien-dai

 Chân dung Al-Zahrawi, "ông tổ ngành phẫu thuật hiện đại". Ảnh: Public Domain

Thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ 13 thường được nhắc đến như thời kỳ hoàng kim của đạo Hồi. Cộng đồng Hồi giáo sản sinh nhiều học giả với những cống hiến quan trọng cho các nhánh tri thức nhân loại, bao gồm cả triết học, toán học và thiên văn học.

Những trí tuệ Hồi giáo trong suốt giai đoạn này cũng đóng góp không ít thành tựu cho y học thế giới, trong đó có thể kể đến Ali ibn al-Abbas al-Majusi (tên tiếng Latin là Haly Abbas), Muhammad ibn Zakariyã Rãzĩ (Rhazes hoặc Rasis), và Abũ al-Qãsim Khalaf ibn al-‘Abbãs az-Zahrãwĩ (thường biết đến với tên Al-Zahrawi, hay Abulcasis), người được mệnh danh là ông tổ ngành phẫu thuật hiện đại.

Cuộc đời của Al-Zahrawi

Al-Zahrawi chào đời tại vùng Al-Zahra, gần Cordoba, Andalusia, miền nam Tây Ban Nha vào năm 836. Đây là một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất của vương triều Hồi giáo Umayyad Caliphate tại Cordoba. Tuy nhiên, không nhiều tư liệu viết về cuộc đời Al-Zahrawi được tìm thấy.

Al-Zahrawi được cho một thiên tài y học rất được sủng ái. Trong suốt 50 năm, ông giữ chức ngự y cho vị vua thứ hai của Cordoba là Al-Hakam II, và al-Mansur, người lắm thực quyền cai trị nhà nước Hồi giáo Tây Ban Nha sau cái chết của Al-Hakam.

Tuy chức tước cao và được trọng vọng, ngự y Al-Zahrawi vẫn tiếp tục thăm bệnh cho nhiều người bất kể giàu nghèo. Điều này cho phép ông gặp gỡ nhiều bệnh nhân mỗi ngày, ghi chép tình trạng sức khỏe và lịch sử chữa trị cho từng người một. Nhờ kiến thức và kinh nghiệm phong phú trong đời hành nghề y, Al-Zahrawi đã để lại cho hậu thế cuốn bách khoa toàn thư về y học quý giá có tựa Al-Tasrif li man ajaz an-ti-talif, gọi ngắn gọn là Al-Tasrif.

Al-Tasrif: Bách khoa toàn thư y học

Al-Tasrif được xem là công trình rất quan trọng trong lịch sử y học, bởi đây là một trong những tài liệu tham khảo chuẩn mực trong nền y học của người Hồi giáo và cả châu Âu trong hơn nửa thế kỷ.

"Khoảng năm 1000, bác sĩ Al Zahrawi công bố bách khoa toàn thư về phẫu thuật dày 1.500 trang. Cuốn sách này từng được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu y khoa 500 năm sau".

ong-to-nguoi-hoi-giao-cua-nganh-phau-thuat-hien-dai-1

 Các hình ảnh minh họa và chú thích về những dụng cụ phẫu thuật trong cuốn Tasrif của Al-Zahrawi. Ảnh: Public Domain

Bách khoa toàn thư y học được viết xong vào khoảng năm 1000 gồm 30 chương. Mỗi chương đề cập tới một vấn đề y học khác nhau kèm theo mô tả về hơn 300 căn bệnh và những cách chữa trị cho căn bệnh ấy mà Al-Zahrawi thu thập được.

Các khía cạnh khác trong y khoa cũng được luận bàn trong Al-tasrif. Chẳng hạn, ở một trong những chương đầu tiên, Al-Zahrawi viết về cách chẩn đoán bệnh. Ông cho rằng, một bác sĩ giỏi phải dựa trên quan sát của chính mình và các triệu chứng để chẩn bệnh, hơn là chỉ nghe theo lời kể của bệnh nhân.

Al-Zahrawi còn viết về mối quan hệ giữa sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Nhiều phần trong Al-Tasrif trình bày về các loại thực phẩm nên tránh, tầm quan trọng của việc duy trì một thực đơn tốt cho sức khỏe, và sử dụng thực phẩm như một phần của chữa bệnh.

Al-Tasrif: Di sản quý giá cho ngành phẫu thuật hiện đại

Theo nhiều chuyên gia, chương 30 chính là phần có tầm ảnh hưởng lớn nhất của quyển bách khoa toàn thư y học Al-Tasrif. Trong chương này, Al-Zahrawi đã đặt những nền móng đầu tiên cho ngành phẫu thuật học mà nhờ đó ông được mệnh danh là "ông tổ ngành phẫu thuật hiện đại".

Nội dung phần này gồm những lý giải chi tiết của Al-Zahrawi về các quy trình trong từng phẫu thuật cụ thể, liệt kê khoảng 200 dụng cụ phẫu thuật cùng mô tả và hình minh họa (những bức ảnh về dụng cụ phẫu thuật được xem là sớm nhất trong lịch sử) và các cải tiến do Al-Zahrawi thực hành mà sau này được ứng dụng phổ biến trong phẫu thuật.

Al-Zahrawi được cho là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên sử dụng chỉ ruột mèo khâu các vết thương bên trong. Đây là loại chỉ chế từ ruột động vật, có thể tự tiêu và trong một thời gian dài trở thành loại chỉ khâu vết mổ duy nhất. Dùng chỉ ruột mèo, các bác sĩ sẽ không cần phẫu thuật lần hai để rút chỉ khâu bên trong.

ong-to-nguoi-hoi-giao-cua-nganh-phau-thuat-hien-dai-2

Một trang trong cuốn Tasrif, bản dịch tiếng Latin của Peter Argellata, có nội dung bàn về phẫu thuật và các dụng cụ phẫu thuật. Ảnh: Public Domain

Ngoài ra, Al-Zahrawi còn được coi là người tiên phong thực hiện một cải tiến mà sau này trở thành chuẩn mực trong ngành phẫu thuật, đó là việc dùng mực đánh dấu đường rạch mổ trên cơ thể bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Đóng góp to lớn cho y học trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong nhánh giải phẫu, Al-Zahrawi đặt những nền móng đầu tiên và thực hiện những cải tiến vẫn còn được ứng dụng cho tới hôm nay. Tuy nhiên, tên tuổi của vị bác sĩ Hồi giáo tài năng này lại không được nhiều người biết đến.

Thu Hiền (theo Ancient-Origins)

Cặp vợ chồng tặng phôi cho những người vô sinh

Sau nỗ lực không mệt mỏi để có con, vợ chồng Fine và Timmel còn dư ba phôi thai đông lạnh. Họ muốn tặng lại cho người có hoàn cảnh giống mình.

cap-vo-chong-tang-phoi-cho-nhung-nguoi-vo-sinh

Vợ chồng Lydia Fine (35 tuổi), Nathan Timmel (46 tuổi) và hai con Hillary (áo tím 3 tuổi) và Truman (1 tuổi)  - Ảnh: thegazette

Lydia Fine là một phụ nữ Mỹ, sống tại bang Iowa, luôn muốn được làm mẹ. Khi cô và chồng, anh Nathan Timmel có ý định sinh con, họ đã lần lượt 30 và 40 tuổi. Không thành công trong việc mang thai tự nhiên, họ đã dùng nhiều phương pháp và các loại thuốc khác nhau nhưng vẫn thất bại.

Vô sinh khiến cuộc sống cuộc sống của họ mệt mỏi. Tuy nhiên, họ không phải là cặp vợ chồng duy nhất rơi vào tình trạng này. Theo thống kê của Trung tâm quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 1/8 các cặp vợ chồng có vấn đề về sinh sản. Ngay cả những cặp vợ chồng có hệ sinh sản bình thường, trong độ tuổi từ 29 đến 33 cũng chỉ có 20-25% cơ hội mang thai mỗi tháng. 

Cuối cùng Fine và Timmel quyết định thụ tinh trong ống nghiệm. 11 quả trứng của Fine đã được thụ tinh thành công. Tháng 8/2012, cô sinh con gái Hillary. Hai năm sau, cậu con trai Truman ra đời từ một phôi thai đông lạnh của cha mẹ.

Cặp vợ chồng hiện còn 3 phôi thai đông lạnh khác nhưng không có ý định sinh thêm con nữa. Họ quyết định sẽ trao tặng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn khác. Cả hai đã liên hệ với Blessedwithinfertility, một tổ chức trao tặng phôi thai để gặp gỡ các cặp vợ chồng đang muốn nhận con nuôi. 

Nhờ Blessedwithinfertility, Fine đã gặp được Lauren và Jesse Jerle, cặp vợ chồng đã nỗ lực mang thai suốt 4 năm, đã thử nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thành công. Bác sĩ cho biết cả hai khó có thể mang thai tự nhiên được. Sau khi đã tốn nhiều tiền của và công sức, nhưng vẫn không thành công, Laurent quyết định chọn phương pháp mới: xin con nuôi từ phôi thai, một cách làm ít tốn kém và dễ thành công hơn hơn so với thụ tinh trong ống nghiệm. 

Hai tháng trước. phôi thai đầu tiên của Fine đã được chuyển cho Lauren. Khi bào thai được 8 tuần tuổi thì Lauren bị sảy thai. Dù vậy, với hai phôi thai còn lại, Lauren và các bác sĩ vẫn rất hy vọng về cơ hội làm mẹ của Lauren.

Hoàng Anh (Theo The Gazette)

Ô nhiễm báo động, Bắc Kinh đóng cửa cao tốc

o-nhiem-bao-dong-bac-kinh-dong-cua-cao-toc

Khu vực trung tâm Bắc Kinh chìm trong khói mù. Ảnh: Xinhua

Theo Reuters, tại Bắc Kinh, đô thị với 22,5 triệu dân, bầu không khí ô nhiễm đặc quánh khiến người dân cảm thấy đến hít thở cũng vô cùng khó khăn.

"Anh có thể nhìn thấy Bắc Kinh hoàn toàn bị khói mù bao phủ. Mỗi lần hít thở vào sáng sớm, cổ họng cực kỳ khó chịu", Zhang Heng, một kiến trúc sư 26 tuổi cho biết.

Hôm nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại một số khu vực ở Bắc Kinh đã tăng vọt lên 500. Mức thông thường từ 0-50 (không gây hại cho sức khỏe), mức từ 300 trở lên được coi là báo động cao nhất.

Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà, đóng cửa cao tốc vì lo ngại khói mù hạn chế tầm nhìn gây nguy hiểm; đồng thời yêu cầu các nhà máy gây ô nhiễm hạn chế, hoặc tạm ngừng sản xuất, cũng như dừng thi công mọi công trình xây dựng trên địa bàn. 

Hôm qua, bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc cảnh báo, khí thải môi trường ở miền Bắc nước này tăng cao trong những tháng mùa đông bởi các lò đốt than cung cấp khí sưởi ấm cho đô thị, cũng như gió thổi yếu, không thể phân tán không khí ô nhiễm, đạt mức báo động lên màu cam.

Đây là lần đầu tiên trong năm nay chính quyền Trung Quốc phải đưa ra mức cảnh báo màu cam, chỉ đứng sau màu đỏ - mức cao nhất. Khói mù dự kiến sẽ tồn tại trong ít nhất ba ngày.

Bộ này cho biết, không khí ô nhiễm ảnh hưởng tới 23 đô thị, trải trên 530.000 km2 - tương đương diện tích của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, dự báo vào ngày 2/12, một đợt không khí lạnh mới sẽ cải thiện tình hình.

Trung Quốc đã phát động "cuộc chiến chống ô nhiễm" vào năm ngoái, sau khi hàng loạt các vụ khói mù bao trùm Bắc Kinh và các khu vực lân cận. Nước này cũng tuyên bố, sẽ cắt giảm tiêu thụ than, đóng cửa những khu vực công nghiệp gây ô nhiễm. Giới chức Bộ Môi trường Trung Quốc thừa nhận rằng, nước này không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí cho đến năm 2030.

Chất lượng không khí đặt ở mức báo động đặt ra thách thức đối với chính phủ Trung Quốc, trong đó, ngành công nghiệp nhiệt điện bị coi như nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Trong bối cảnh Hội nghị toàn cầu về Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Paris tuần này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với câu hỏi về năng lực phát triển nền kinh tế sạch, không ô nhiễm.

o-nhiem-bao-dong-bac-kinh-dong-cua-cao-toc-1

Những khu vực ở miền Bắc Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Ảnh: Đài khí tượng quốc gia Trung Quốc

Hồng Hạnh

28-32 là độ tuổi đẹp nhất để kết hôn

Một nghiên cứu mới cho thấy những người kết hôn trong độ tuổi 28 và 32 có cơ hội hôn nhân thành công cao nhất.

Những người làm đám cưới ở khung thời gian này về sau sẽ ít khả năng ly dị hơn. Kết quả này phủ nhận những hiểu biết trước đây cho rằng càng lấy vợ lấy chồng muộn, cơ hội duy trì hôn nhân của bạn càng cao.

Nghiên cứu do nhà xã hội học Nick Wolfinger, Đại học Utah (Mỹ) thực hiện, được Viện nghiên cứu gia đình đăng tải.

Xét về yếu tố tuổi, nếu bạn kết hôn ở cuối độ tuổi 20 và đầu 30, tỷ lệ ly hôn giảm nhưng khi bạn đợi tới cuối tuổi 30 hay đầu 40 để kết hôn thì khả năng ly dị lại tăng lên. Thực tế, với mỗi năm sau tuổi 32, bạn nhận thêm vào một tỷ lệ khá cao là 5% khả năng đường ai nấy đi.

28-32-la-do-tuoi-dep-nhat-de-ket-hon

Ảnh minh họa: Rapidlikes.

Một trong những lý do người ta đạt tỷ lệ thành công trong hôn nhân cao nhất ở độ tuổi 28 và 32 có thể là họ ít cố chấp so với những người lớn tuổi hơn và cũng không bị vướng bận những mối ràng buộc với chồng hay vợ cũ hoặc con cái.

Wolfinger viết: "Những người đợi tới những năm tuổi 30 mới kết hôn thường đã định hình quan điểm sống, đủ trưởng thành và có các kỹ năng xử lý xung đột - điều dễ xảy ra trong hôn nhân".

Ông nói thêm: "Những người kết hôn muộn này thường cũng đã gặp gỡ một loạt những người có tiềm năng làm vợ/chồng họ - và sàng lọc để loại trừ các cá nhân không phù hợp, từ đó chọn được người kết đôi thành công trong đời sống vợ chồng".

Vương Linh (Theo Independent)

Xót xa cậu bé 7 tuổi không cha mẹ và không có bộ phận sinh dục

Chắc hẳn, giờ đây, chẳng còn ai lạ lẫm gì với câu chuyện về chú lính chí dùng cảm Thiện Nhân và hành trình “trở lại làm người đàn ông đích thực” của cậu bé.

Sự thành công kỳ diệu, giúp hồi sinh cuộc đời Thiện Nhân đã trở thành niềm cảm hứng để “Hành trình Thiện Nhân” - một chương trình phẫu thuật miễn phí cho các em nhỏ từ khắp nơi trên thế giới được ra đời.

Và từ khi chương trình được tiến hành, chị Trần Mai Anh - mẹ nuôi của Thiện Nhân, người viết lên câu chuyện cổ tích "chú lính chì Thiện Nhân", cũng là người gắn bó mật thiết với chương trình đã không ít lần rơi lệ. Trong đó, trường hợp khiến chị xúc động nhất, có lẽ là hoàn cảnh của bé Sophean - một cậu bé người Campuchia và hiện đang được chữa trị tại khoa Niệu- Bệnh viện Nhi Đồng 2- TP.Hồ Chí Minh.

Cậu bé bị bố mẹ bỏ rơi với đa vết thương trên cơ thể

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Trần Mai Anh- “người mẹ thứ hai” của Sophean, người đã tận tình chăm sóc, lo lắng cho bé ngay từ những ngày đầu bé nằm viện cho biết: Chị biết đến Sophean qua chương trình “Hành trình Thiện Nhân”.

Theo đó, Sophean bị chính cha mẹ ruột của mình bỏ rơi ngay trong đêm Giao thừa năm 2007 tại một bệnh viện ở Campuchia với vết thương bẩm sinh không có bộ phận sinh dục, bàng quang lộ hết ra ngoài...

Sau đó, Sophean được đưa đến một bệnh viện cấp cứu. Thế nhưng, trong suốt 4 năm đầu đời Sophean đã sinh tồn một cách rất đau đớn và thiếu thốn đồ ăn, thiếu thốn tình yêu thương ngay trong bệnh viện. Bởi lẽ, các bác sỹ ở đây không thể tìm ra người bảo hộ cho bé, cũng như vết thương của bé quá lớn, muốn điều trị cũng là điều quá sức với họ.

Vì thế, bên cạnh nỗi đau về thể xác quá lớn, Sophean rất thiếu thốn tình cảm, thiếu một mái nhà- nơi có cha, có mẹ để xoa dịu phần nào nỗi đau cho bé. Sophean đã một mình chiến đấu, sống cô độc như thế với vết thương mà chắc chắn ai nhìn thấy cũng phải rùng mình, quay mặt đi.

  Xót xa cậu bé 7 tuổi không cha mẹ và không có bộ phận sinh dục - Ảnh 1

Sophean tình cảm bên "mẹ" Mai Anh.

May mắn đã đến với Sophean khi em gặp được ông Phanat Ouch - Giám đốc trại trẻ mồ côi Hannah' Hope (hiện là cha nuôi của Sophean). Ông đã nhận nuôi Sophean và tìm kiếm thông tin về “Hành trình Thiện Nhân” để xin được phẫu thuật cho bé, giúp bé tìm lại cuộc đời. Đây cũng chính là cơ duyên để “mẹ” Mai Anh gặp được Sophean và tình nguyện dành rất nhiều thời gian, tình cảm đứng ra giúp đỡ, chăm sóc bé.

Chị Mai Anh tâm sự với chúng tôi: “Sophean bắt đầu sang Việt Nam từ tháng 6/2015. Trước đó, bé chưa từng được chữa trị nên vết thương rất nặng. Vì đã cũng Thiện Nhân trải qua một hành trình quá dài và cũng nhiều nước mắt, nên tôi rất hiểu hoàn cảnh cũng như tâm sự của Sophean.

Dù không phải là người sinh ra Sophean nhưng bé rất tình cảm, luôn miệng gọi tôi là mẹ, cảm giác lúc đó khiến tôi thấy nghèn nghẹn và rất muốn ôm bé về nhà để chăm sóc”.

  Xót xa cậu bé 7 tuổi không cha mẹ và không có bộ phận sinh dục - Ảnh 2

Các bác sỹ đang thăm, khám bệnh cho Sophean.

Cần lắm, trái tim của những người "mẹ"

Hiện tại, Sophean mới trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên để chữa trị phần bàng quang bị lộ hết ra ngoài. Hơn nữa, Sophean lại quá nhỏ bé, gầy gò, bé cần rất nhiều thời gian để bồi dưỡng sức khỏe, để đủ sức “chiến đấu” với hành trình còn rất dài phía trước.

“Tuổi còn quá nhỏ nhưng Sophean rất ít khi khóc nhè, dù có đau đớn đến đâu. Khi mới mổ xong lần đầu tiên, tỉnh dậy, bé chỉ rơm rớm nước mắt và lí nhí nói với tôi, “mẹ ơi, con đau”. Sau đó, bé không làm phiền ai bất cứ việc gì, thậm chí, bé cũng tự đi vệ sinh và làm các công việc cá nhân”, chị Mai Anh nói.

  Xót xa cậu bé 7 tuổi không cha mẹ và không có bộ phận sinh dục - Ảnh 3

Dù phải chịu nhiều đau đớn, nhưng Sophean rất mạnh mẽ.

Nói về việc chữa trị cho Sophean, chị Mai Anh chia sẻ: Theo dự kiến, ít nhất bé sẽ còn phải trải qua 5-6 đợt phẫu thuật nữa. Tuy nhiên, vấn đề bồi dưỡng sức khỏe, điều trị phần bàng quang cho bé đang được ưu tiên, sau khi ổn định mới tiến hành phẫu thuật để tái tạo bộ phận sinh dục.

Bên cạnh vấn đề vết thương của bé quá nặng và phức tạp, kinh phí để điều trị, hỗ trợ việc đi lại giữa hai nước cho bé cũng là vấn đề rất nan giải. Dù việc chữa trị đã được chương trình “Hành trình Thiện Nhân” giúp đỡ nhưng cho đến khi bé có được cuộc sống như bao bé trai bình thường khác còn là cả quá trình rất vất vả và khó khăn.

Chỉ tính riêng về kinh phí y tế, bé cần nhiều túi giãn da, tinh hoàn, duplex, kim mổ đặc biệt...cho từng lần phẫu thuật khác nhau. Chi phí cho mỗi món đó từ dao động từ 7-10 triệu, thậm chí cả trăm triệu. Ở bệnh viện, bé cũng cần có người chăm sóc, nuôi dưỡng,…rất nhiều các chi phí phát sinh.

“Hiện nay, bé cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của mọi người. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt quốc tịch, mọi người đến chia sẻ, động viên, chăm sóc em bằng tình yêu thương thật sự. Họ đều rất thương yêu bé và hy vọng sẽ có nhiều người giống như họ, cùng Sophean san sẻ nỗi đau”, chị tâm sự.

  Xót xa cậu bé 7 tuổi không cha mẹ và không có bộ phận sinh dục - Ảnh 4

"Mẹ" Mai Anh dành rất nhiều thời gian, tình cảm để chăm sóc Sophean.

Sau khi đến Việt Nam chữa bệnh, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các “mẹ” như “mẹ” Mai Anh, Sophean rất vui vẻ, lạc quan. Thay vì gương mặt ủ rũ, đau đớn trước đây, bé đã cười nói nhiều hơn và hòa đồng hơn.

Chị Mai Anh chia sẻ, nhiều người hỏi chị rằng,tại sao chị không giúp đỡ người Việt Nam mà lại đi giúp một cậu bé ngoại quốc? “Với chương trình "Hành trình Thiện Nhân", tất cả trẻ em có bệnh đều được chúng tôi giúp đỡ, không phân biệt giàu nghèo, quốc tịch.

Nếu các bé nghèo, không có gia đình như Sophean sẽ được chương trình chữa bệnh miễn phí và kêu gọi mọi người giúp đỡ. Riêng các em bé có gia đình khá giả thì họ sẽ tự trả tiền viện phí cho con họ, thậm chí còn ủng hộ lại tiền để giúp đỡ những em bé có hoàn cảnh khó khăn khác.

Hơn nữa, rất nhiều bác sĩ từ Ý, từ Mỹ xa xôi đồng ý đến Việt Nam để phẫu thuật miễn phí cho các em bé, họ cũng đâu có chung màu da, cùng quốc tịch? Vậy nên, nếu có nhận các em bé không phải hộ nghèo, không phải người Việt Nam thì đó cũng là điều rất dễ hiểu.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:

- Chị Trần Mai Anh, STK: 0011000474142, ngân hàng Viecombank, chi nhánh 198 Trần Quang Khải, Hà Nội (ghi rõ ủng hộ Sophean)

- Hoặc có thể đến thăm, trao quà trực tiếp cho Sophean tại khoa Niệu, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.Hồ Chí Minh

- Báo điện tử Người Đưa Tin

Đ/c: Tầng 4, tòa nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 04 6295 0202/ 0466754477

Số tài khoản: 19129185908996/ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Chi nhánh Lĩnh Nam

M.V

Những đối tượng cần nói 'KHÔNG' với măng

Măng là món quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam với nhiều loại như măng tre, măng trúc, măng tây, măng nứa, măng vầu...

Trong măng có chứa nhiều chất xơ, giúp cơ thể tránh được chứng táo bón. Trong 100g thịt măng có chứa 5,5 g bột đường, 0,8-2g chất đạm, 0,1 g chất béo, 15 mg calci, 0,6 mg sắt và nhiều sinh tố (B1: 0,07 mg, B2: 0,1mg, PP: 0,7 mg, C: 8 mg).

  Những đối tượng cần nói 'KHÔNG' với măng - Ảnh 1

Một số người, ăn măng có thể gây nguy hại cho sức khỏe của bạn. Ảnh minh họa.

Mặc dù có nhiều chất có lợi cho sức khỏe như vậy nhưng không phải ai cũng nên ăn măng. Dưới đây là những đối tượng cần nói “không” với măng:

Phụ nữ mang thai

Trong măng có nhiều độc tố nếu không được xử lý sạch có thể gây ngộ độc, nguy hiểm cho người ăn, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Nguy hiểm nhất là glucozit, thành phần này sẽ sinh ra axit xyanhydric. Trong dạ dày, glucozit bị phân hủy với tác dụng của men tiêu hóa, chất chua trong dạ dày, sau đó axit xyanhydric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn. Nếu axit bị đẩy ra ngoài tức là cơ thể không chịu nổi chất độc.

Người bị đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày thường chuyển thành mãn tính và tái phát lại, ít người trị được hết hẳn. Người bị bệnh đau dạ dày cần kiêng cữ khá nhiều trong việc ăn uống, ngay cả sau khi đã chữa trị, để giúp dạ dày có thể hoạt động trở lại và hạn chế tái phát.

Người bị đau dạ dày không nên ăn măng vì trong măng chứa một hàm lượng axit cyanhidric gây nguy hại.

Người bị thận

Những người bị thận cũng không nên ăn măng. Bệnh thận đôi khi là do vi khuẩn streptocoques gây nên. Nhưng thông thường là do những bệnh ảnh hưởng đến thành mạch máu làm tổn hại đến thận như bệnh cao huyết áp và bệnh đái tháo đường.

  Những đối tượng cần nói 'KHÔNG' với măng - Ảnh 2

Người bị thận không nên ăn măng. Ảnh minh họa.

Khi bị bệnh thận, bạn cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.

Người bị gút

Không nên ăn măng khi bị gút vì chế độ ăn có thể làm tăng lượng axit uric trong máu, làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể, vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh gút cần loại bỏ măng ra khỏi thực đơn ăn uống.

Hạ Vy

Lão nông chống chọi bệnh ung thư bằng đam mê sáng chế

Một ngày cuối tháng 11, trong căn nhà tuềnh toàng ở xã Suối Hiệp, Diên Khánh, Khánh Hòa, ông Trần Đức Mạnh (53 tuổi) ngồi tính toán lại số tiền kiếm được từ việc bán máy ép phế liệu. Khoản thu nhập này, ngoài để trang trải cuộc sống, thuốc thang điều trị ung thư, phần còn lại ông dành dụm để mua thêm phế liệu cũ, tiếp tục chế tạo máy khi sức khỏe ổn định hơn.

Sinh ra trong gia đình bần nông, cuộc sống nhiều khó khăn, ông Mạnh bôn ba qua nhiều công việc. Có thời gian đi cày thuê cho chủ, máy bị hỏng, không có kinh phí đưa ra tiệm, ông tự mày mò sửa chữa. Hai năm trước, khi đang cày đất thuê, ông bỗng ngất lịm giữa đồng. Kết quả xét nghiệm phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối khiến ông chết lặng. Từ đó, người đàn ông trụ cột chỉ biết nằm ở góc nhà, chịu đựng những cơn đau thể xác do căn bệnh quái ác hành hạ.

lao-nong-chong-choi-benh-ung-thu-bang-dam-me-sang-che

Công việc giúp ông Mạnh quên đi nỗi đau bệnh tật, níu lại cuộc sống đời thường. Ảnh: Xuân Ngọc

Chứng kiến cha ngày càng tiều tụy, hai người con trai đang là sinh viên muốn bỏ học, đi làm san sẻ gánh nặng chi tiêu với mẹ. Gia sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Buồn phiền với lời tâm sự của con, hình ảnh người vợ tảo tần đã thôi thúc ông không tuyệt vọng, gắng gượng qua bệnh tật.

Thôn Cư Thạnh có nghề truyền thống làm nấm rơm. Sau mùa vụ, ông Mạnh ráng theo hàng xóm ra đồng lấy rơm nhưng làm không nổi. Cơn đau hành hạ khiến ông nghĩ phải làm gì đó để quên đi bệnh tật. "Lúc đó, trong đầu tôi nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất máy cào rơm với tiêu chí là giá rẻ, phí vận hành thấp để giải phóng sức người", ông nhớ lại.

Không qua trường lớp đào tạo nên khi bắt tay vào nghiên cứu, lão nông gặp khó khăn không ít, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhiều người cho rằng ông có "ý tưởng khùng", cơn bệnh hành hạ, khiến ông muốn bỏ cuộc tất cả.

"Cảm giác tồi tệ nhất là khi ở một mình vào ban đêm, trong căn phòng trống. Trong cơn đau giằng xé, tôi nghĩ tới đống phế liệu nằm ngổn ngang ở sân, sáng chế lại nung nấu. Ý nghĩ thôi thúc làm ra máy cào rơm lấn át lo lắng bệnh tật", ông Mạnh chia sẻ.

lao-nong-chong-choi-benh-ung-thu-bang-dam-me-sang-che-1

Máy cào rơm của lão nông. Ảnh: Xuân Ngọc

Loay hoay hàng tháng trời với những máy móc cũ, thu mua giá rẻ từ các cửa hàng phế liệu, kết quả đã không phụ lòng người. Với thiết kế đơn giản, máy cào rơm của ông chỉ là khung xe khách bỏ đi, kết hợp nhiều phế liệu, sắt vụn và ống thủy lực cũ được lắp ráp lại. Máy chạy bằng động cơ dầu, giúp tăng năng suất và giảm sức lao động.

Ngày ông Mạnh đưa máy xuống đồng, ai cũng ngỡ ngàng, bán tín bán nghi hiệu quả. Chỉ đến khi chứng kiến trong ít phút, từng cọng rơm nằm ngổn ngang trên đồng được gom lại, người dân mới thán phục. "Người trong vùng gọi ông ấy cái tên thân thuộc là "nhà sáng chế nông dân". Công suất làm việc của máy tương đương với 30 công lao động trong 8 giờ so với trước đây. Chúng tôi không ngờ ông ấy làm được", ông Minh, người trong vùng nhận xét.

Nỗi đam mê công việc như giúp ông đẩy lùi những cơn đau ngự trị trước đây. Sau phát minh này, ông tiếp tục sáng chế máy ép phế liệu và được khách đặt mua. Máy hoạt động với mục đích ép phế liệu thành bánh giúp vận chuyển dễ và chi phí thấp hơn.

"Lần vận chuyển phế liệu từ Khánh Hòa vào TP HCM gần 7 triệu một chuyến, thành phẩm chưa được ép phải chia ra nhiều đợt. Từ khi có máy ép ông Mạnh chế chỉ cần chở một chuyến", chủ mua máy phế liệu chia sẻ.

Thường giúp đỡ ông Mạnh trong công việc, anh Phan Trung Kiên (30 tuổi) cho biết, lúc mới phát hiện bị bệnh "nhà sáng chế nông dân" tiều tụy, đôi mắt thụt sâu, người còn 38 kg với da bọc xương nhưng. "Chú Mạnh giờ đã tăng được 16 kg, sức khỏe ổn dần", anh Kiên nói.

lao-nong-chong-choi-benh-ung-thu-bang-dam-me-sang-che-2

Qua 12 lần hóa trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, ông Mạnh vẫn lạc quan với đam mê sáng chế. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Trần Văn Kính – Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp (Diên Khánh) cho biết, địa phương có hơn 2.500 hộ, ngoài nuôi trồng nông nghiệp, người dân còn mưu sinh nhờ vào phát triển làm nấm rơm. Máy cào rơm của ông Mạnh là sáng chế đầu tiên ở địa phương, giúp người dân giảm được công sức, tạo hiệu quả cao sản xuất nấm.

ng Mạnh không than vãn về căn bệnh mà luôn tỏ ra lạc quan, điều đó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người ở địa phương cùng cảnh ngộ", ông Kính nhận xét và cho biết sẽ bàn với hợp tác xã có phương án hỗ trợ, ứng dụng rộng những máy sáng chế của ông Mạnh.

Hiện, xung quanh nhà ông Mạnh như một công xưởng, toàn sắt thép phế liệu và những đồ vật cũ kỹ. "Tôi đang nghiên cứu để tạo ra máy sàng cát sạn. Cát ở trên sông hiện nay nhiều sạn, muốn có cát xây phải sàng. Máy hoạt động sẽ giảm được sức lao động, hiệu quả cao hơn", ông Mạnh lên kế hoạch trong thời gian tới.

Xuân Ngọc