Sẩm tối, quán bánh bèo của bà Huỳnh Thị Lan (58 tuổi) nằm giữa 4 dãy nhà ở chung cư Hòa Phú 5A (Liên Chiểu, Đà Nẵng) thoát khỏi cảnh cô quạnh, khi mấy người phụ nữ cũng là dân cư ở đây, người làm công nhân, nhặt ve chai, rửa chén bát thuê... tan làm, ngồi lại tán chuyện, dù chẳng ai ăn uống gì.
Bỗng, tiếng chuông điện thoại rung lên. Một phụ nữ chừng 60 tuổi móc ra chiếc điện thoại cục gạch cũ sờn. Nghe xong, giọng bà trầm xuống: "Con trai vừa gọi điện xin tiền ăn, nhưng trong người tôi chẳng còn đồng nào. Tiền bán ve chai đem đóng tiền nhà hết 500 nghìn, tôi với con gái nhịn ăn 3 ngày rồi".
Bốn người phụ nữ nhìn nhau, im lặng thở dài.
Tách mình khỏi náo nhiệt trên đường Kinh Dương Vương gần đó, 4 khối chung cư đượm vẻ hiu quạnh, dù lác đác cũng có vài đứa trẻ chạy nhảy, cũng có hàng quán. Nơi đây có 144 phụ nữ không chồng, góa chồng, ly hôn đang sinh sống, nên thường được gọi là "chung cư không chồng".
Ông Phạm Trung Khảm (Bí thư chi bộ khu chung cư Hòa Phú 5A) cho biết, chung cư được ông Nguyễn Bá Thanh (cố chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) đề xuất và quyên góp xây dựng từ 2008. Năm 2011, chung cư đi vào hoạt động, tập hợp phụ nữ đơn thân từ khắp mọi ngóc ngách trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận về ở với giá thuê chỉ từ 500 nghìn đồng. Đến nay có hơn 200 hộ sinh sống.
Lê những bước chân nặng nề trở về nhà ở tầng 5, bà Trần Thị Thương (57 tuổi) quờ quạng trong bóng tối vì đôi mắt bị đục thủy tinh thể trở nặng. Một mình lầm lũi, bà chẳng thiết ăn uống. Nếu như trước đây bà thường ăn gạo trừ bữa, thì nay là cơm nguội thường xuyên.
Trong ngày bà phụ bưng bê ở một quán nước. Đôi mắt kèm nhèm, nhiều lần bà bị mắng do làm vỡ ly hoặc bưng mất cốc khách chưa uống. Xong việc ở quán, bà nhận đi đổ rác cho mấy hộ trong khu, được người ta cho vài nghìn.
Bà Thương sinh được 4 con, nhưng hai người chết yểu, một người con gái vì nghèo quá mà cho người ta nuôi, người con trai phải gửi vào trại trẻ mồ côi. Còn chồng đã bỏ bà từ hơn 20 năm trước.
|
Bà Thương cũng không có nghề nghiệp ổn định. Mãi tới khi về sống ở "chung cư không chồng", bà mới dành dụm được chút ít đón người con từ trại trẻ mồ côi ra, cũng như làm bàn thờ cho hai con đã mất.
|
Từ năm 2011 về đây, bà không còn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, không còn những bữa ăn gạo sống khiến bụng trương phình. Hai năm trước, bà làm hồ sơ xin lại con trai từ trại trẻ mồ côi, sau đó lo cho con đi nghĩa vụ. Hiện bà cũng cố dành dụm để khi con ra quân sẽ được đi học nghề.
Vài tháng trước bà mới làm được bàn thờ cho hai con đã mất từ lâu. Bận ấy người ta cho cái khung sắt, còn bà mua thêm tấm kính 300.000 nghìn đồng. "Không có tiền lập bài vị, lập nên cũng không mua được hương hoa, đồ cúng. Nhưng việc này như khúc xương, khiến tôi không nguôi. Giờ có bàn thờ rồi, mắt lại kém, lần mò thắp nhang cũng khó", bà nói.
Vài năm nay, ý nghĩ tìm con gái cũng trở lại trong tâm trí bà, nhưng rồi cũng chỉ biết day dứt trong lòng. Bà nói thêm: "Hồi đó nhà ở biển, nước gạo, nước sôi gì cũng cho con uống vì không có sữa, thế nên phải đem cho người khác nuôi. Giờ đỡ hơn trước là có cái nhà, nhưng con gái cho rồi không biết đường nào tìm".
Cũng trong cảnh góa sống một mình, cuộc sống bà Mực (55 tuổi) lam lũ không kém. Bữa nay, gánh xôi của bà bị ế. Thân hình gầy gò, lưng còng, mắt đục, chậu xôi hơn 20 kg còn chưa vơi không thể trụ được trên cánh tay, khiến bà suýt ngã. Thế mà, mỗi ngày người phụ nữ đó phải lên xuống 200 bậc thang ít nhất 6 lần.
"Người yếu, buổi sáng mang thau xôi xuống, tôi như mất hết sức sống, đi lên không nổi. Dạo này nắng nóng bán ngày nào cũng ế, kiếm lon gạo cũng không ra", bà thở dài. Trong căn phòng có độc một chiếc tivi mua 100.000 đồng là đáng giá.
|
Ngày bà Mực leo cầu thang 6 lượt với cơ thể già yếu, mắt mờ để bán xôi gà.
|
Tay chân bị co rút, bà Liên (58 tuổi) còn đau đớn hơn vì con gái bị mắc bệnh thần kinh và động kinh, lúc không làm chủ được bản thân thì xé quần áo, quăng đồ đạc, lúc bình thường cũng chẳng làm gì được, có thể té ngã bất cứ lúc nào.
"Mẹ giá con côi, ở đây chị em ai cũng nghèo khổ hết. Nhà nước quan tâm được cái gì thì nhờ cái nấy thôi", bà tâm sự. Trước đây một ngày bà đi làm thuê cũng được 50 nghìn. Song giờ có tuổi nên không làm được nhiều như trước. Hàng ngày hai mẹ con có gì ăn đó, chứ hiếm khi có một bữa cơm tử tế.
Con gái lúc tỉnh lúc mê, bà Liên cũng chẳng có người để trò chuyện cho qua những đêm cô quạnh, chỉ có tiếng kinh Phật réo rắt khắp không gian.
Đã tròn 7 năm từ khi những người phụ nữ không chồng về chung dãy nhà giá rẻ sinh sống. Dù nhiều gia đình đã vượt qua được khó khăn, vẫn còn những nhà chưa thoát khỏi cảnh túng quẫn.
Theo bà Ngô Thị Cẩm (58 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố), 90% cư dân ở đây đều ở độ tuổi trên 40, họ đa số là những người không được ăn học đàng hoàng nên không có nghề nghiệp ổn định. Không có chồng chia sẻ cuộc sống, nhiều người còn có thêm bệnh tật, đời sống khổ sở.
Bà Cẩm cho biết, tiền thuê nhà ở chung cư này trước đây trung bình là 100 nghìn, tùy vị trí căn hộ. Từ 2015, tiền thuê nhà đã tăng lên 500 nghìn chưa tính điện nước, thực sự trở thành gánh nặng với nhiều gia đình khó khăn.
|
Những người phụ nữ không chồng từ khắp nơi được gom về, tạo nên một cộng đồng dân cư tại Đà Nẵng.
|
8h30' tối, hàng quán còn nhiều cũng phải dọn dẹp vì chung cư đóng cửa. Bà Lê Thị Gái (55 tuổi) còn nguyên nồi trứng vịt lộn đầy ắp nghi ngút khói. "Bán hết 30 trứng này lời được 30 nghìn, đêm nay tôi chỉ bán được 4 trứng", bà tâm sự.
Quán bánh bèo của bà Lan cả tiếng không có khách. Người đến ngồi chỉ để kể những câu chuyện cũ mãi không có hồi kết. Đó là những khoản nợ, là cảnh góa bụa, đơn côi... Bà Lan nửa đùa nửa thật: "Không có tiền mua dù để che mưa che nắng, có tiền mua cũng không ai giúp bung dù, đóng dù. Sợ với đôi chân đầy bệnh xương khớp này, gió nổi lên chắc người cũng bay mất".
Đến mùa mưa rồi, bà và nhiều người khác chỉ có nước đi làm thuê chứ buôn bán được gì...
Bài và ảnh: Trọng Nghĩa
Let's block ads! (Why?)