Sự bất thường trong kết quả thi THPT của một số thí sinh ở Hà Giang
Có một câu chuyện vui về lòng trung thực trên mạng xã hội như thế này:
“Cuối giờ, thầy giáo dặn cả lớp:
- Ngày mai chúng ta sẽ học về lòng trung thực. Các em về nhà mở sách Giáo dục công dân đọc chương 16 trước nhé.
Học sinh ngoan ngoãn đáp:
- Vâng ạ!
Ngày hôm sau, vừa vào lớp thầy liền hỏi:
- Các em đã đọc chương 16 cả chưa?
- Rồi ạ! - cả lớp đồng thanh.
Thầy giáo mỉm cười:
- Tốt lắm! Chúng ta có thể bắt đầu bài học được rồi. Thật ra cuốn sách này chỉ có 15 chương thôi”.
Một câu chuyện vui nhưng là một bài học thật nhiều ý nghĩa về lòng trung thực.
Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 của chúng ta không thiếu những bài học, hay những thông điệp về lòng trung thực như vậy. Bởi 12 năm đèn sách, các em không chỉ được học cái chữ, học những kiến thức mới, mà còn được rèn rũa về những phẩm chất làm người.
Ngày xưa, trong các lớp học, thường treo trang trọng 1 tấm bảng lớn phía trên bục giảng. Tấm bảng về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng mà bất cứ học sinh nào, từ khi học lớp 1 cũng đều thuộc lòng.
1. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Vậy mà, những ngày qua, câu chuyện về sự gian dối trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang đang làm bàng hoàng tất cả những người có lương tri, nó như một quả bom nổ chính giữa không trung, gây chấn động dư luận cả nước.
Tại buổi họp báo công bố sai phạm trong chấm thi tại Hà Giang ngày 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Thậm chí có thí sinh được nâng lên 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Trong đó có trường hợp thí sinh bị điểm liệt 0,75 điểm môn Hóa học (nghĩa là sẽ trượt tốt nghiệp THPT) được sửa thành điểm giỏi 9,75 điểm.
Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.
Nếu hành động này của ông Lương trót lọt, sẽ có bao nhiêu thí sinh trong số 114 em được sửa điểm đường hoàng bước vào cổng trường đại học? Đồng nghĩa với việc có bao nhiêu thí sinh sẽ bị mất đi cơ hội học tập mà đáng nhẽ ra đã là của mình?
Những thí sinh bước vào đời bằng con đường gian dối liệu có thể cho chúng ta chút niềm tin nào vào thế hệ tương lai?
Ai là người đã thuê ông Lương làm việc này? Bởi tất nhiên, không thể có chuyện ông Lương “so bó đũa, chọn cột cờ”, để làm một việc “từ thiện” tuy chỉ mất 6 giây (để biến điểm 1 thành điểm 9) nhưng có thể thay đổi cuộc đời của cả một con người.
Đây có thể nói là cú sốc lớn đối với ngành giáo dục đang trên con đường đổi mới. Một kì thi đã từng được đánh giá là “nghiêm túc, khách quan, an toàn” và “thành công” giờ như bị dội gáo nước lạnh.
Sự trung thực mà hàng ngày, hàng giờ của người đang đứng trên bục giảng truyền dạy cho các thế hệ học trò bỗng chốc chỉ còn là thứ lý thuyết suông, là thứ được những người có vị thế như ông Lương tiếp tay một cách trắng trợn.
Thậm chí, như một hiệu ứng domino, sau Hà Giang, người ta đang đặt câu hỏi nghi vấn về kết quả thi THPT ở một số tỉnh, thành khác trên cả nước. Liệu có hay không việc thanh tra toàn diện kết quả thi THPT quốc gia năm nay trên phạm vi toàn quốc nhằm đem lại sự khách quan, công bằng và chính xác cho một kì thi mang tầm cỡ quốc gia?
Trở lại với Hà Giang, vấn đề dư luận đang quan tâm hiện nay, là ông Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang làm những việc này vì ai, vì động cơ gì? Đây là vấn đề cần làm rõ để cá thể hóa trách nhiệm đối với sai phạm từ việc nâng điểm.
Còn về phần ông Lương, là người có “vị trí” trong ngành giáo dục, hẳn ông cũng như bao thế hệ học trò khác trên đất nước này đều nhắm mắt cũng đọc thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy. Mong là trong giai đoạn rối ren của cuộc đời ông lúc này, sẽ có lúc ông ngồi một mình và ôn lại 5 điều này, đặc biệt về ý nghĩa của hai phẩm chất mà con người nào cũng cần tu dưỡng. Đó là thật thà và dũng cảm.
* Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm - Khiêm tốn: Là không tự kiêu tự đại, biết lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. Biết tôn trọng người lớn tuổi, biết nói năng nhẹ nhàng, biết dạ, thưa khi được người lớn tuổi hỏi - Thật thà: Là phải biết trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập. Phải có lối sống trung thực với mọi người, với thầy cô, với bạn bè và đặc biệt là với ông bà, cha mẹ. - Dũng cảm: Là một đức tính cao quý của con người, người dũng cảm là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình. Người dũng cảm luôn được mọi người quý mến. |
No comments:
Post a Comment