Vào nghề với một chiếc lò nướng nhỏ xinh
Bích Thủy tốt nghiệp Đại học Xây dựng, rồi làm công việc thiết kế tại một công ty lớn tại Hà Nội.Thu nhập của một kiến trúc sư không phải là dạng còm nhom, và theo như lời Thủy chia sẻ thì: “Với mỗi công trình nhà dân dụng phí thiết kế cũng đã giao động từ 30 đến 50 triệu tùy theo diện tích”.
Thế nhưng, khi mang bầu và sinh bé Nghé, Thủy tự nhiên thích “nghịch” bột, thích chế biến bánh như một thú vui để làm bà mẹ bỉm sữa yêu đời. “Cứ làm đi làm lại cho đến khi thành một chiếc bánh thì thôi”, nữ kiến trúc chia sẻ.Tay ngang vào nghề, Thủy không nhớ nổi mình đã làm hỏng bao nhiêu cốt bánh để có thể làm xong một cái bánh hoàn thiện.
Nguyễn Bích Thủy, nữ kiến trúc sư đã bỏ nghề để theo đuổi niềm đam mê làm bánh ngọt. (Ảnh: Trần Minh)
Chồng của Thủy, thấy cô có vẻ càng ngày càng “nghiện” làm bánh, đã lẳng lặng đi mua tặng vợ một cái lò nướng nhỏ, một máy đánh trứng.
Quà tặng từ chồng đã hóa thành công sức của vợ khi Bích Thủy cứ ngày một ham nghiên cứu, mày mò cách chế tác những chiếc bánh ngọt. Rảnh là Thủy lên mạng để học cách làm bánh từ các video hướng dẫn.
Hết thời gian bỉm sữa, Thủy chẳng tha thiết gì những bản vẽ thiết kế, mà quyết định: “Thôi, nghỉ việc, ở nhà làm bánh”. Chồng của Thủy thấy vợ vui vẻ, hoan hỉ làm bánh cũng ủng hộ luôn lựa chọn của vợ.
Thủy thành thật: “Chính cách yêu thương của chồng đã tạo nên niềm hứng khởi cho tôi lớn thêm niềm đam mê với bánh”.
Những chiếc bánh đầu tiên của Thủy được làm quà cho bố mẹ, người thân, là món “nịnh miệng” ông xã rất tài tình. Nhận thấy bánh của mình có thể kinh doanh tốt, Bích Thủy mở xưởng làm bánh.Ngày thì Bích Thủy cùng nhân viên làm tại xưởng, nhưng đêm về, cô lại thức đêm để tìm hiểu sâu hơn về các công thức tạo bánh.
Chính việc chịu khó cập nhật kiến thức, Bích Thủy phát hiện ra một thực tế của thị trường bánh ngọt còn nhiều tầng nấc chưa được khai phá.Cô cảm thấy việc mở xưởng làm bánh để kinh doanh đại trà, với mình không phải là hướng đi lâu dài.
Rất riêng, Bích Thủy dừng việc làm bánh ở xưởng, tập trung thời gian đầu tư làm ra dòng bánh ngọt cao cấp, trang trí đầy tính thẩm mỹ. Đến lúc, Thủy tôi luyện tay nghề thành công, cho ra mỗi chiếc bánh đẹp và chất như một tác phẩm có dấu ấn có sự sáng tạo rất công phu.
Một chiếc bánh được Bích Thủy chế tác và trang trí. (Ảnh: NVCC)
Thợ bánh không bao giờ rao giá bánh
Rất nhiều người thắc mắc vì sao Bích Thủy không bao giờ rao giá của một chiếc bánh trên facebook cá nhân. Cô lý giải: “Là vì, mỗi chiếc bánh với tôi là một đứa con tinh thần, gắn liền với thông điêp mà khách hàng muốn trao tặng, hay chỉ đơn giản là một cảm xúc xinh đẹp mà hôm đó tôi được trải nghiệm. Nó duy nhất và khó có thể làm lại”.
Bích Thủy không vội vã kiếm khách để bán được nhiều bánh. Mỗi tuần, cô chỉ nhận làm vài ba cái bánh, để tỉ mẩn và thỏa thích niềm đam mê sáng tạo trên từng thớ kem, gram bột. Với mỹ cảm cực nhạy của một kiến trúc sư, Bích Thủy có thể biến chiếc bánh thành một bông hoa, một lọ hoa, một nhành hoa tưới sắc lá. Dòng bánh cao cấp của Thủy dường như phụng sự vẻ đẹp của các loài hoa.
Chính việc thể hiện rõ nét dấu ấn cá nhân khi trang trí bánh, cùng với việc luôn cẩn trọng lựa chọn nguyên liệu sạch để làm bánh, “Mẹ Nghé” (tên facebook của Bích Thủy) đã trở thành đối tác của nhiều chương trình dạy về kĩ năng cho phụ nữ.
Một chiếc bánh kem "mang quân hàm" do Bích Thủy tự tay trang trí (Ảnh:NVCC)
Mới đây, Thủy hợp tác cùng một công ty, để cho ra đời những chương trình truyền hình về một lớp học dạy làm bánh. Dĩ nhiên, Thủy làm cô giáo thạo nghề và luôn tận tụy với từng học trò.“Những học viên của lớp học như thế này, có người đã rất thành công khi mở xưởng làm bánh để kinh doanh”, cô cho biết thêm.
Bích Thủy cũng thổ lộ: “Tương lai, tôi muốn trở thành một food blogger. Ngoài việc coi làm bánh là một công việc, tôi rất muốn trả ơn công đồng làm bánh-nơi tôi đã được đón tiếp nhiệt tình khi bỡ ngỡ chạm tay vào bơ, bột, trứng, sữa…. Mong muốn được góp một phần nho nhỏ cho nghề bánh trong nước phát triển hơn, được biến đến rộng rãi hơn”.
Đây là chiếc bánh sinh nhật mà một phụ nữ đặt Bích Thủy làm để tặng cháu đích tôn của dòng họ nhân dịp thôi nôi của bé trai. (Ảnh: NVCC)
Nhờ bánh nói hộ tình yêu
Tính đến bây giờ, Bích Thủy đã có 5 năm làm bánh. Và, trong những tâm sự lắng đọng, chân thật về nghề, cô nói: “Tôi vẫn nhớ rất rõ và xúc động bởi ý tứ của khách khi gọi cho tôi để đặt một chiếc bánh”.
Có người tìm gặp Thủy để đặt một chiếc bánh nhân dịp cả nhà đoàn viên, bởi có người định cư ở nước ngoài về thăm lại gia đình, dòng họ. Chị khách này đã thể hiện rất rõ sự chu đáo cũng như lòng kính trọng đối với dòng tộc qua cách đặt một chiếc bánh. Vốn là người tinh tế, Bích Thủy hiểu được điều này và cô đã cài tình cảm đó lên chiếc bánh bằng ngôn ngữ của loài hoa. Cô chọn hồng, hoa mẫu đơn khi khách muốn thể hiên sự trang trọng, lỗng lẫy, hoặc thược dược đỏ khi khách muốn thể hiện tình yêu nhẹ nhàng hơn nhưng cũng sâu lắng hơn.
Một chiếc bánh được vẽ trang trí bông hoa thược dược- loài hoa biểu trưng cho tình yêu nhẹ nhàng, sâu lắng (Ảnh: NVCC)
Người làm bánh cũng bao lần xúc động bởi nhã ý của các khách nam đặt bánh để tặng vợ nhân dịp sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới. Thủy cảm nhận rằng, đằng sau sự kiệm lời, bối rối của những người đàn ông ấy là sự trân trọng, yêu thương chân thành người phụ nữ của đời mình.
“Tôi thật sự vui vì được nhìn thấy tình yêu mộc mạc ấy, Các khách nam thường chọn những câu tỏ tình kinh điển và giản dị như: ”Anh yêu em”, “yêu vợ nhiều” hay dễ thương với một hình trái tim nho nhỏ trên bánh”, Thủy kể lại dòng viết trên bánh với đôi mắt lấp lánh vui.
Mỗi chiếc bánh đều được người thợ bánh cài vào bức thông điệp tình yêu của chủ nhân. (Ảnh: NVCC)
Vì có được niềm vui lan tỏa từ trong tâm như thế, Thủy có thể thức cả đêm để vẽ một bông hoa thược dược trên chiếc bánh để chồng người ta tặng vợ, có kèm theo dòng chữ: “Happy Anniversary, yêu mẹ P!”.
Nhận được những đơn hàng đong đầy thông điệp yêu thương như thế, người thợ bánh cảm thấy niềm hạnh phúc xâm chiếm trọn tâm trí mình. Cô nói đùa: “Tự nhiên tôi thấy mình như thần tình yêu Cupid”.
No comments:
Post a Comment