Wednesday, April 4, 2018

Phát hiện dấu chân khủng long từ 170 triệu năm trước

Dấu chân lớn thuộc về khủng long chân thằn lằn trên đảo Skye. Ảnh: Paige dePolo.

Dấu chân của khủng long chân thằn lằn trên đảo Skye. Ảnh: Paige dePolo.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Edinburgh phát hiện 50 dấu chân khủng long tồn tại cách đây 170 triệu năm ở một đầm phá nông và nhiều bùn trên đảo Skye, Scotland, IFL Science hôm 3/4 đưa tin. Qua hình dạng dấu chân, hướng ngón và vết móng vuốt, các nhà khoa học cho rằng chúng là khủng long chân thằn lằn và chân thú.

Khủng long chân thằn lằn gồm nhiều loài kích thước lớn, cổ dài và ăn thực vật. Khủng long chân thú, trong đó có khủng long bạo chúa, phần lớn là loài ăn thịt.

"Càng tìm kiếm, chúng tôi càng phát hiện nhiều dấu chân khủng long trên đảo Skye. Địa điểm mới này gồm hai nhóm khác nhau, nhóm họ hàng cổ dài của thằn lằn sấm và nhóm răng sắc có họ với khủng long bạo chúa. Chúng di chuyển quanh một đầm phá nông, khi Scotland ấm áp hơn và khủng long bắt đầu hành trình thống trị thế giới", tiến sĩ Steve Brusatte cho biết.

Phát hiện mới được miêu tả là có tính quan trọng toàn cầu vì là dấu tích từ thế Trung Jura, thời kỳ mà giới khoa học chưa thu được nhiều bằng chứng hóa thạch. Dù thủy triều gây khó khăn khi nghiên cứu dấu chân, các nhà khoa học vẫn có thể quan sát nhờ sử dụng ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái.

Họ phát hiện dấu chân lớn nhất rộng khoảng 70 cm thuộc về khủng long chân thằn lằn. Trong khi đó, dấu chân khủng long chân thú lớn nhất rộng khoảng 50 cm. Năm 2015, dấu tích của khủng long chân thằn lằn cũng được tìm thấy tại Duntulm, đảo Skye.

"Đây là địa điểm thứ hai có dấu chân của nhóm khủng long này trên đảo. Chúng nằm trong những tảng đá cổ xưa hơn ở Duntulm và cho thấy sự hiện diện của khủng long chân thằn lằn ở đây qua khoảng thời gian dài hơn giới khoa học từng nghĩ. Phát hiện này mang đến thông tin hữu ích giúp chúng tôi tiếp tục dựng lại bức tranh về khủng long trên đảo Skye trong thế Trung Jura", Paige dePolo, tác giả nghiên cứu, chia sẻ.

Thu Thảo

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment