Monday, April 30, 2018

Gia đình Hà Nội căng như dây đàn vì chăm con sinh ba

Sáng 27/4, chị Thu Hằng (Cầu Giấy) đưa các con sinh ba đi tiêm. Chiều hôm đó các bé không chịu chơi như ngày thường. Đến đêm, bé út tên Trần Bách sốt trên 40 độ. Sang hôm sau, vết tiêm của bé đầu tên Trần Lâm cứng như đá, phải đưa đi viện khám. Chỉ còn cậu thứ 2, tên Trần Tùng, vốn có cân nặng tốt nhất trong bộ ba cùng trứng vượt qua được phản ứng phụ của mũi tiêm này.

Ba cậu bé theo thứ tự từ trái qua là Trần Tùng, Trần Bách và Trần Lâm. Ảnh: Phan Dương.

Ba cậu bé sinh ba theo thứ tự từ trái qua là Trần Tùng (anh hai), Trần Bách (em út) và Trần Lâm (anh cả). Ảnh: Phan Dương.

Con ốm sốt là nỗi sợ của nhiều bậc cha mẹ, nhưng đối với người mẹ 26 tuổi, trải qua 3 lần sinh nở với 5 con thì nỗi sợ này đến như cơm bữa. Bởi bé lớn nhất nhà chị mới 7 tuổi, bé thứ hai 5 tuổi, còn bộ ba thì mới bước qua mốc 18 tháng, vẫn còn rất dễ ốm mỗi khi trái gió trở trời.

"Tôi có kinh nghiệm chăm hai con gái trước nên nhiều lúc con ốm không còn bỡ ngỡ nữa. Chỉ có điều, việc phải làm với cặp sinh ba không phải là 3, mà nhiều khi căng thẳng lên đến 6, bởi sẽ có những lúc cả ba bé cùng ốm, cùng quấy, cùng la khóc", người mẹ giãi bày.

Thời điểm bận rộn nhất là buổi sáng mỗi ngày. Dù đã có ông bà nội trợ giúp đắc lực, nhưng ba người lớn cũng không thể "dễ thở" với 5 đứa nhỏ. Để giảm tải, người mẹ trẻ cố sắp xếp công việc khoa học. Từ tối hôm trước chị đã hỏi hai con gái muốn ăn gì để sáng mai đi mua. Nếu các con ăn mỳ trộn, chị sẽ dậy sớm hơn chuẩn bị đồ ăn.

"Nấu xong mình phi lên tầng ba gọi chị cả dậy, vệ sinh cá nhân xong thì đưa bé xuống ăn sáng. Sau đó, lên gọi chị hai. Vệ sinh xong cho chị thì quay ra gọi hai con trai dậy, rửa đít, thay bỉm cho chúng (một bé ngủ với bà nội). Sau đó sẽ cắp nách chúng xuống với ông bà nội. Mình đưa bé đầu đi học lớp 2, sau đó mới quay về đón bé thứ 2 đi nhà trẻ", Hằng liệt kê.

Gia đình Hà Nội căng như dây đàn vì chăm ba bé giống nhau như đúc

Ổn thoả cho hai con gái, chừng 7h30' chị sẽ chuẩn bị đồ ăn cho ba con trai. Nếu bữa đó các bé ăn xôi thì cả nhà nhàn, nhưng ăn cơm thì phải nấu. Nhiều bữa, các con quấy thì xem như cả nhà thôi luôn cả ăn sáng. Cho ăn xong chơi được một lúc, lại đến giờ uống sữa, sau đó chuẩn bị cơm nước cho bộ ba và cả nhà buổi trưa...

"Ngày xưa chúng nó cho gì ăn nấy nhưng giờ biết đòi hỏi rồi và còn chỉ chịu duy nhất mẹ cho ăn. Nếu mà đồ ăn không hợp khẩu vị, để chúng đói quấy khóc thì mệt lắm. Riêng khoản nghĩ cho ăn gì là mình thấy nhọc lắm rùi", người mẹ tất bận vừa nói, vừa tranh thủ đặt nồi gà luộc cho bữa chiều của con. Sau đó cắt nhỏ một quả xoài cho các bé ăn trước giờ cơm.

Những buổi sáng mà 5 chị em cùng dậy thì cả nhà nhốn nháo "hơn cả chợ vỡ". Lúc đó người mẹ chỉ ước phân thân để có thể bế đứa này, dỗ đứa kia, nhanh nhanh đưa con đi kẻo muộn học.

5 em bé đáng yêu của vợ chồng chị Hằng. Ảnh: NVCC.

5 em bé đáng yêu của vợ chồng chị Hằng. Ảnh: NVCC.

Bộ ba sinh cùng trứng, càng lớn càng giống nhau. Tuy nhiên, thành viên trong gia đình vẫn có có thể phân biệt được các bé qua đặc điểm riêng trên cơ thể hoặc cân nặng. Chúng cùng biết lẫy, biết bò và biết đi ở một thời điểm và thường những lúc ốm cũng sẽ ốm cùng nhau.

Bà nội kể thêm, không biết có phải sinh ba tương thông hay là học theo nhau mà các bé thường có biểu hiện giống nhau, ví như rung bàn ghế rồi cười khanh khách, tranh đồ không được là ăn vạ, lúc bị đói thì đều nhặng xị như nhau...

"Mỗi lúc chúng tranh đồ chơi, nếu không xử không khéo là cả ba đồng thanh réo. Có dỗ nín khóc hết một lượt thì cũng mất cả buổi chiều", bà nội than thở.

Các bé đang bập bẹ tập nói. Gia đình cố gắng chăm bé đến lúc 3 tuổi mới cho đi nhà trẻ. Ảnh: Phan Dương.

Các bé đang bập bẹ tập nói. Gia đình cố gắng chăm đến lúc 3 tuổi mới cho đi nhà trẻ. Ảnh: Phan Dương.

Để có thể chăm lo tốt nhất cho các con, Hằng luôn cố gắng lạc quan trong mọi tình huống. Dù con đi viện, ốm sốt nhiều ngày và phải thức đêm nhưng chị vẫn tranh thủ ăn và ngủ. "Mình chỉ stress nhất việc dạy con gái lớn học", người mẹ tâm sự.

Tuy anh Đạt, chồng Hằng quản lý một công ty phân phối các mặt hàng nông sản và thường phải đi công tác, nhưng bù lại Hằng có ông bà nội giúp đỡ việc chăm con. Nhiều đêm chồng đi công tác, bà ngoại cũng sang phụ cô. Cả gia đình phối hợp nhịp nhàng, đặt các bé lên ưu tiên hàng đầu.

Mỗi ngày các bé thêm lớn, thêm khôn là mệt mỏi đến rồi lại đi, chỉ niềm vui còn ở lại. "Ba chúng nó chạy lon ton, đùa nghịch với nhau nhìn hay lắm. Mỗi lúc đẩy chúng đi chơi, mặc đồ giống nhau, mọi người xì xào khen đẻ giỏi, đẻ siêu, chăm con khéo là mình lại thấy vui", đôi mắt người mẹ ngời lên hạnh phúc.

Thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ sinh ba cùng trứng nằm trong khoảng 1/60.000 đến 1/200 triệu trường hợp sản phụ mang thai.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment