Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Tista Sen, giám đốc sáng tạo quốc gia tại Ấn Độ của tập đoàn quảng cáo toàn cầu J. Walter Thompson, trên New York Times về hành trình chồng chị tìm lại chính mình và làm mới hôn nhân bằng một niềm vui giản dị của anh:
Chồng chẳng còn là người đàn ông như hồi mới cưới tôi. Anh ấy ngày càng cau có, dễ nổi nóng và hành động như thể cuộc đời này đối xử với anh quá tệ.
Chồng tôi làm về xuất bản - một ngành vốn đã nhiều căng thẳng. Là một người tay trắng làm nên, anh ấy lại lo các con tôi được bao bọc quá mức nên sau này khó vững vàng. Hôn nhân của chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Tất cả những điều này khiến anh ấy buồn phiền. Cho tới khi chồng tôi trở thành một người nuôi chim hoang.
"Nhưng việc đó quá phiền phức", tôi bảo chồng khi anh nói về ý định đó. Ở Mumbai, Ấn Độ, nơi chúng tôi sống, các căn hộ rất nhỏ. Mặc dù có một ban công hẹp với vài cây xanh, chúng tôi không nuôi chim và tôi cũng chẳng thấy có chỗ nào phù hợp để làm việc phù phiếm đó. Hơn nữa, việc cố gắng cho chim trời ăn trong một thành phố mà nghèo đói vẫn tràn ngập dường như là quá xa xỉ và "tiểu thuyết".
"Chúng ta sống ở Ấn Độ", tôi nhắc chồng. "Chim chóc ở khắp nơi trên thế giới", anh ấy đáp. Và vậy là xong. Chồng tôi mua về một máng trong suốt rồi cẩn thận đổ đầy hạt vào đó. Tôi nhìn việc này một cách nghi hoặc vì trước giờ tôi có bao giờ thấy chim bay đến khu này đâu.
Chị Tista Sen. Ảnh: The Economic Times. |
Cuộc sống của chúng tôi tất bật với những bộn bề như các đôi thời nay. Chúng tôi làm việc cực nhọc, trò chuyện ít hơn và xem TV rất nhiều. Buổi tối, cả hai bận rộn trả lời email, tin nhắn. Các con trai đã lớn và có cuộc sống riêng. Chúng tôi cũng vậy và ngày càng xa cách.
Trong một buổi sáng trống rỗng như bao buổi sáng khác, tôi bắt gặp chồng mình thay vì đọc tờ báo trên tay thì hướng ánh mắt ra phía ban công. Tôi ngoảnh ra và thấy một chú vẹt màu xanh lá với chiếc mỏ đỏ, đầu nghiêng nghiêng nhìn mình. Nó đậu xuống ngay chỗ máng ngũ cốc. Tôi liếc nhìn chồng. Mặt anh ấy giãn ra, rạng rỡ, như thể vừa được tái sinh.
Và thay vì vội vã lao ra xe bus, nhịp buổi sáng của chúng tôi chậm lại kể từ ngày chú vẹt đó ghé qua. "Em có biết chúng gần như đã tuyệt chủng ở thành phố này", chồng tôi thì thầm.
Chúng tôi chờ đợi lần đến chơi tiếp theo của người bạn lông vũ. Chẳng ai còn lo cãi vã những chuyện cỏn con. "Em có nghĩ là cái máng ăn bé quá không", chồng tôi hỏi trong một buổi tối. "Mỏ bé xíu, chúng cần gì chiếc to hơn", tôi lẩm bẩm đáp.
Anh ấy đong đếm thức ăn cho chim với sự cẩn trọng và chu đáo. "Ôi, không. Hôm nay chúng không ăn chút nào", anh ấy nói với giọng đầy lo lắng và khiến người ta tưởng đang nói về các con nhưng thực tế là về những chú chim nhỏ.
Việc cho những người bạn lông vũ ăn trở thành một nghi thức trong buổi sáng với anh ấy. Trong cuộc sống bận rộn đơn điệu, chúng tôi như trở lại thời có con nhỏ. Nhưng lần này, anh ấy trở thành "mẹ" chứ không phải tôi.
Buổi sáng trở thành thời gian tôi mong đợi nhất. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều hơn cái liếc nhìn như thường lệ. Nó như niềm hứng khởi khi ta mở cửa đón một người lạ hay một người bạn mới và mời họ bữa ăn đã chuẩn bị sẵn. Ta hồi hộp mong đợi xem liệu họ có tới, thức ăn có đủ, họ có thích những gì ta nấu sẵn và có quay lại không.
Một buổi tối, khi về nhà, tôi thấy chồng đang ngồi trước chiếc bát nhỏ đựng nhiều loại ngũ cốc trộn lẫn. "Đồ này rất tốt cho lũ chim", anh ấy nói khi lấy ngón tay vân vê những hạt nhỏ. "Tốt cho tiêu hóa của chúng". Tôi quan sát rồi tự hỏi "Điều gì nữa đây?".
Chủ nhật, anh ấy dành cả buổi lên mạng tìm hiểu về chim, thực phẩm cho chúng và khi nào chúng ăn, lượng mỗi bữa bao nhiêu, vì sao chúng ăn ít vậy. Những cuộc hội thoại của chúng tôi bắt đầu bằng chuyện về chim chóc. Chẳng hạn, một con chim có thể hót 2000 lần một ngày, lông của chim bồ câu còn nặng hơn cả xương của nó. Ban đêm chồng tôi ngẫm lại một ngày của mình bằng cách đếm xem có bao nhiêu chú chim ghé nhà và chúng ở lại bao lâu.
Một ngày chủ nhật nhiều gió, khi cả hai vợ chồng nhìn chăm chăm về phía ban công, anh ấy trông có vẻ trầm ngâm. "Công việc của anh có vấn đề gì à?", tôi lo âu hỏi. "Không", anh đáp rồi nhìn tôi với vẻ lơ đễnh, bất lực. "Chẳng có con chim nào đến suốt 24 tiếng rồi. Anh đang nhìn xem".
"Có lẽ cần một thiết bị theo dõi định vị", tôi đùa. Tôi là vợ mà anh còn chẳng cần định vị cơ mà. Tối đó, tôi thấy chồng chuyển máng cho chim ăn ra chỗ khác. "Ra đây lũ chim sẽ dễ tìm hơn. Chúng cần được thoải mái và sẽ tới ăn", anh nói.
Liệu người ta có thể ghen với chim không? Chúng còn thu hút sự chú ý của chồng hơn cả tôi. Tôi bắt đầu nhìn chằm chằm vào những con chim bồ câu và lẩm bẩm mấy từ bực bội khi thấy chúng ồn ào sà xuống ăn. Rồi những con mòng biển cũng tìm tới. Trông chúng có vẻ vui thích. Và chồng tôi cũng vậy.
Một buổi sáng, khi chồng không có nhà, tôi ngồi trong góc nhỏ nhấm nháp ly cà phê. Bố tôi vừa phải nhập viện và tôi đang ngập với công việc, hàng loạt cái hạn sắp tới. Cảm giác bất lực với cuộc sống len lỏi trong tôi. Tôi gạt dòng nước mắt và nhìn về phía cái máng thức ăn chim. Một chú vẹt trống nghiêng đầu, nhìn tôi. Tôi nhìn lại. Chúng tôi dường như đang chơi trò thách đố xem ai phải chớp mắt trước. Tôi tiến lại gần hơn nhưng chú chim không bay đi. Nó tiếp tục ăn rồi lại ngước lên khi tôi tiến gần hơn. Tôi lắng nghe, tôi ngắm nhìn. Tôi hình dung ra sự mãn nguyện của nó. Đó là một niềm vui giản dị. Một sự tử tế nhẹ nhàng. Tôi mỉm cười khi giọt nước mắt nữa đang trực rơi xuống. Đêm đó, tôi rúc gần ông chồng từng cau có của mình và nắm chặt tay anh ấy. "Mọi việc ổn chứ", chồng tôi hỏi. "Vâng", tôi thì thầm. "Hôm nay em vừa ngắm bạn anh ăn hết bữa ngon lành".
Những ngày này, chồng tôi cười nhiều và ít cáu hơn. Anh ấy hay nhìn những khóm cây gần khu nhà chúng tôi và nói về tầm quan trọng của chúng. "Ý anh là với lũ chim nhỏ hả?", tôi hỏi. "Không, với chúng ta", anh nói khẽ.
Và có lẽ anh đúng. Bạn đạt đến một cột mốc trong đời khi bạn khao khát được làm một điều gì đó mới mẻ và tốt đẹp. Để cho đi, để tìm lại bản thân và nhen lại tình yêu. Để sống tốt hơn.
Một số người có thể nuôi dưỡng sở thích nào đó. Một số khác thì làm từ thiện. Có người lại chọn du lịch khám phá thế giới hay tình nguyện dạy học. Người giàu có thể ra hàng ăn một bữa cầu kỳ hay ngao du tới một thành phố xinh đẹp, nơi họ có thể nhảy múa dưới mưa hay nhảy bungy, học thứ gì mới.
Chồng tôi không làm những điều trên. Nhưng dù sao anh ấy cũng đã tìm lại được chính mình. Và khi làm việc đó, anh ấy cũng tìm lại được tình yêu trong cuộc sống vợ chồng chúng tôi.
Vương Linh
No comments:
Post a Comment