Gián được nuôi làm dược liệu tại trang trại ở Tây Xương, Trung Quốc. Ảnh: Business Insider. |
Trang trại gián lớn nhất thế giới ở thành phố Tây Xương phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nuôi 6 tỷ con gián trưởng thành mỗi năm và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý đàn gián lớn gần bằng dân số thế giới nhằm phục vụ y khoa, Business Insider hôm 24/4 đưa tin. Đây là một phần của quá trình sản xuất thuốc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hàng triệu bệnh nhân Trung Quốc.
Có nhiều cơ sở nuôi gián ở Trung Quốc để làm dược liệu hoặc tạo nguồn protein cho chăn nuôi gia súc. Nhưng không cơ sở nào có thể so sánh về mặt năng suất với trang trại ở Tây Xương. Gần 280.000 con gián được nuôi lớn trên mỗi mét vuông hàng năm, theo báo cáo đầu năm nay của chính quyền Tứ Xuyên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhiều gián như vậy được tập trung và nhân giống trong một không gian. Dự án đạt nhiều thành tựu về khoa học và công nghệ và từng nhận được giải thưởng khoa học cấp quốc gia.
Bên trong trang trại, những dãy kệ hẹp dài lấp đầy tòa nhà cao tầng có diện tích mặt sàn lớn bằng hai sân thể thao. Các giá xếp đầy thùng đựng thức ăn và nước uống để mở. Môi trường trong tòa nhà luôn nóng ẩm và tối tăm quanh năm, cho phép đàn gián tự do bò lang thang tìm thức ăn và sinh sản. Chúng không bao giờ có thể thấy ánh nắng Mặt Trời từ khi chào đời cho tới lúc chết. Tòa nhà cũng hạn chế khách tham quan.
Trang trại nuôi 6 tỷ con gián mỗi năm của Tập đoàn Dược phẩm Gooddoctor. Ảnh: SCMP. |
Cơ sở có năng suất chăn nuôi vượt trội một phần do áp dụng hệ thống sản xuất thông minh hoạt động nhờ thuật toán AI. Hệ thống này thường xuyên thu thập và phân tích hơn 80 hạng mục dữ liệu lớn, bao gồm độ ẩm, nhiệt độ, lượng thức ăn cung cấp và mức tiêu thụ. Hệ thống cũng theo dõi những thay đổi như đột biến gene và tác động của đột biến đến tốc độ sinh trưởng của cá thể gián.
AI mang lại thay đổi cho Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, từ hệ thống nhận dạng gương mặt có thể xác định danh tính của 1,3 tỷ cư dân trong vài giây đến tàu ngầm nguyên tử có thể giúp chỉ huy ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn trong chiến đấu. Ở trang trại gián, hệ thống AI tích lũy hiểu biết từ kinh nghiệm trước đây và tự điều chỉnh để cải tiến quy trình nuôi gián.
"Không có công nghệ nào tương tự trên thế giới. Hệ thống sử dụng một số giải pháp độc nhất để giải quyết một số vấn đề độc nhất", tiến sĩ Zhang Wei, cựu trợ lý nghiên cứu ở Trường Kỹ thuật Cơ khí thuộc Đại học Chiết Giang, người tham gia phát triển hệ thống AI, cho biết.
Trang trại do Tập đoàn Dược phẩm Gooddoctor tại Thành Đô, Tứ Xuyên điều hành. Theo bài báo năm 2011 trên tờ Guangming Daily, khách ghé thăm trang trại phải thay trang phục tiệt trùng để tránh mang theo chất gây ô nhiễm hoặc mầm bệnh. "Có rất ít người ở cơ sở. Gián ở khắp mọi nơi trên giá, nền nhà và trần nhà. Hãy nín thở và bạn sẽ chỉ nghe thấy tiếng sột soạt. Bất cứ khi nào ánh đèn pin lia tới, đàn gián lại chạy trốn. Ánh đèn dừng lại ở bất cứ đâu, nơi đó có âm thanh giống như gió thổi qua thảm lá. Cảm giác giống như đứng ở sâu trong rừng tre vào cuối mùa thu", tác giả bài báo viết.
Số lượng gián khổng lồ ở cơ sở, đàn gián lớn nhất từng tồn tại trên hành tinh, làm dấy lên nhiều lo ngại. Giáo sư Zhu Chaodong, nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu tiến hóa côn trùng ở Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định thảm họa sẽ xảy ra nếu hàng tỷ con gián bất ngờ được thả vào môi trường do lỗi của con người hay thảm họa tự nhiên như động đất phá hủy tòa nhà.
Đối với gần 800.000 cư dân ở Tây Xương, tai nạn trên có thể "rất đáng sợ", theo Zhu. Trang trại cũng nằm gần sân bay Thanh Sơn của Tây Xương. "Nhiều lớp phòng vệ cần được thiết lập và vận hành hiệu quả để ngăn ngừa thảm họa nếu gián được thả ra do sự cố", Zhu nhấn mạnh.
Số lượng gián có thể nhân lên nhiều lần trong môi trường phù hợp. Với khí hậu ấm và lượng mưa lớn của Tây Xương, khoảng chục con gián có thể lan ra khắp khu phố. Các chuyên gia cũng lo ngại hoạt động nhân giống và sàng lọc di truyền quy mô lớn ở trang trại có thể thúc đẩy loài vật tiến hóa, tạo ra siêu gián có kích thước và khả năng sinh sản bất thường.
No comments:
Post a Comment