Trạm Thiên Cung 1 mang lại nhiều thành tựu cho Trung Quốc trong lĩnh vực không gian. Ảnh: Space. |
Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn của Trung Quốc rơi trở lại Trái Đất và bốc cháy trong khí quyển ở khu vực nam Thái Bình Dương vào sáng nay, Space đưa tin. Đây là trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất.
Thiên Cung 1 được chế tạo với mục đích chính là giúp Trung Quốc hoàn thiện kỹ thuật ghép nối và tiến hành các thử nghiệm cần thiết khác để xây dựng một trạm vũ trụ lớn hơn trong những năm 2020. Trạm cũng có các thiết bị khoa học như thiết bị quan sát Trái Đất và máy thăm dò môi trường không gian.
Thiên Cung 1 đã mang lại nhiều ứng dụng và dữ liệu khoa học có giá trị trong việc khảo sát tài nguyên khoáng sản, nghiên cứu rừng và biển, giám sát môi trường sinh thái và thủy văn, việc sử dụng đất, giám sát môi trường nhiệt đô thị và kiểm soát các thiên tai khẩn cấp, theo Cơ quan Công trình Thám hiểm Không gian có người lái Trung Quốc.
Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 được phóng lên không gian năm 2011. Video: YouTube.
Thân của trạm vũ trụ gồm hai khoang chính là khoang thí nghiệm và khoang tài nguyên. Mỗi đầu trạm cũng được thiết kế phù hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ ghép nối. Trạm Thiên Cung 1 được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ngày 29/9/2011.
Tháng 11/2011, trạm ghép nối thành công với tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8. Tháng 6/2012, tàu vũ trụ Thần Châu 9 đưa ba phi hành gia Jing Haipeng, Liu Wang và Liu Yang, nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, lên Thiên Cung 1. Họ làm việc tại đây trong 10 ngày để đánh giá các kỹ thuật ghép nối bằng tay và tự động giữa Thần Châu với trạm vũ trụ.
Tàu Thần Châu 10 (trái) ghép nối với trạm Thiên Cung 1 (phải). Ảnh: Asian Scientist. |
Tàu vũ trụ Thần Châu 10 đưa ba phi hành gia gồm Nie Haisheng, Zhang Xiaoguang và Wang Yaping lên trạm vũ trụ vào tháng 6/2013. Các phi hành gia tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học trong nhiệm vụ kéo dài 15 ngày trên trạm vũ trụ. Wang còn thực hiện một bài giảng vật lý cho các học sinh Trung Quốc và truyền hình trực tiếp.
Ngoài ra, Thiên Cung 1 cũng cung cấp những hình ảnh kịp thời về trận lụt tại Dư Diêu năm 2013 và dữ liệu hình ảnh trong một thảm họa cháy rừng ở Australia, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết.
Các nhà khoa học ban đầu dự tính Trạm Thiên Cung 1 sẽ ngừng hoạt động năm 2013 nhưng thời gian tồn tại của trạm được kéo dài thêm. Tháng 3/2016, các nhà chức trách Trung Quốc thông báo trạm Thiên Cung 1 đã ngừng trao đổi thông tin với Trái Đất, chính thức dừng hoạt động.
Thu Thảo
No comments:
Post a Comment