Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây chiều 3/4 khiến 4 người bị thương. Nguyên nhân là người dân đốt rơm rạ ở bên đường cao tốc, gần cầu Đồng Môn (Đồng Nai). Khói dày đặc bay về phía đường cao tốc làm hạn chế tầm nhìn của tài xế. Hàng loạt ôtô đang chạy tốc độ cao ở cả hai chiều không thể quan sát. Dù tài xế đã giảm tốc, 10 xe vẫn tông liên hoàn.
Đây không phải lần đầu tiên việc đốt rơm rạ của người dân gây sự cố như trên. Năm 2014, một người dân ở xã Cẩm Yên (Thạch Thất, Hà Nội) đang chạy xe máy thì đâm phải ôtô và tử vong khi mới 22 tuổi. Chính thói quen đốt đồng trong vụ mùa khiến khói bay mù mịt đã gây ra tai nạn.
Người dân đốt cỏ bên ngoài hành lang cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tạo nên đám khói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm nhìn của các xe vào chiều 3/4. Ảnh: PV. |
Từ khoảng hai chục năm nay, khi bếp than, bếp gas được sử dụng rộng rãi, nông dân cả nước không còn nhu cầu dùng rơm rạ làm chất đốt, hay thức ăn chăn nuôi. Sau mỗi mùa thu hoạch lúa (tháng 5, 6, 9, 10), họ thường đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng - biện pháp thuận lợi và rẻ tiền nhất. Những cột lửa cùng khói trắng đen theo hướng gió bay khắp nơi, làm hạn chế tầm nhìn, gây ngột ngạt khó chịu. Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng - hai vựa lúa của cả nước thường xuyên chứng kiến cảnh tượng này.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trung bình cứ sản xuất được một tấn lúa thì tạo ra một tấn rơm rạ. Mấy năm gần đây, mỗi năm cả nước tạo ra khoảng 44-45 triệu tấn rơm rạ, trong đó người dân chủ yếu là đốt. Khảo sát 180 hộ dân ở ba tỉnh đồng bằng sông Hồng cho thấy, gần 58% số hộ đốt rơm rạ tại ruộng; 8% vùi tại ruộng cho vụ sau; 11% làm chất độn chuồng và gần 2% làm chất đốt, gần 12% dùng làm thức ăn chăn nuôi và chỉ 9% để trồng nấm.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu đăng trên tạp chí của Đại học Cần Thơ về các biện pháp xử lý rơm rạ ở một số tỉnh cho thấy, rơm rạ chủ yếu được đốt. Cụ thể, vụ đông xuân đốt rơm phổ biến đến 98%; còn lại trồng nấm, bán rơm, cho rơm chiếm tỷ lệ rất thấp. Vụ hè thu, tỷ lệ đốt rơm giảm còn gần 90%, vùi rơm gần 7%. Vụ thu đông có tỷ lệ đốt rơm thấp nhưng vẫn chiếm nửa với 54%, vùi rơm rại ruộng là 26%, trồng nấm 8%.
Người dân ở cửa ngõ thủ đô đốt rơm rạ vào những ngày mùa. Ảnh: Ngọc Thành. |
Báo cáo môi trường giai đoạn 2011-2015 cho thấy, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí CO2, CO, NOX. Khi rơm rạ không cháy hết sẽ tạo bụi mịn và hợp chất anđehit gây ảnh hưởng xấu sức khỏe.
Theo một kết quả nghiên cứu tại đồng bằng sông Hồng, lượng CO2 vào môi trường do đốt đồng là 1,2-4,7 triệu tấn/năm, CH4 là 1-3,9 nghìn tấn/năm, CO là 28,3-113,2 nghìn tấn/năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng rơm đốt ước tính hàng năm phát thải 17,95 triệu tấn CO2; 485,58 nghìn tấn CO và 10,38 nghìn tấn NOX vào khí quyển. Các nhà khoa học tính toán, lượng khí nhà kính phát thải vào môi trường do đốt rơm rạ có thể gây thiệt hại về môi trường, lên đến hàng trăm triệu đôla mỗi năm.
Tiến sĩ Lê Văn Tri, chuyên gia công nghệ sinh học cảnh báo, khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng khiến người hít khói dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở. "Các nhà khoa học cho rằng khói rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều CO - loại khí rất độc có thể gây chết người", ông Tri nói.
Nông dân Hà Nội đốt đồng năm 2017. Video: Huy Mạnh
Hành vi đốt rơm rạ gây khói bụi ô nhiễm môi trường có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, điều 7, nghị định 179/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt 1-2 triệu đồng về hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng. |
No comments:
Post a Comment