Monday, April 9, 2018

Đã có 3 người tử vong do sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là tại Bình Dương, Bình Phước và Cà Mau.

Theo thông tin từ cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, trong tuần 13 năm 2018, cả nước ghi nhận 759 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Cà Mau. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 593 trường hợp. So với tuần 12, số ca mắc giảm 15%, so với cùng kỳ năm 2017 (1.381 trường hợp) số mắc giảm 45,2%. 

Trong tuần qua có 24 địa phương không ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết, 38 địa phương ghi nhận số mắc giảm hoặc tương đương với tuần trước, 1 tỉnh ghi nhận số mắc tăng so với tuần trước là Bình Dương (tăng 6 trường hợp mắc).

Sức khỏe - Đã có 3 người tử vong do sốt xuất huyết

Ảnh minh họa.

"Tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.079 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong là tại Bình Dương, Bình Phước và Cà Mau.

Số mắc có xu hướng giảm trong các tuần gần đây và giảm so với tuần cùng kỳ năm 2017. Không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến trong 13 tuần đầu năm 2018", ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng thông tin.

Cục Y tế dự phòng dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống do: Tình hình sốt xuất huyết tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao. Di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý.

"Thời gian tới, với khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền phát triển mạnh. Trong khi đó tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây. Điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp, bất lợi, tăng số lượng và chủng loại các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh.

Sự phối hợp của người dân với cán bộ y tế chưa cao trong công tác loại bỏ các ổ lăng quăng/ bọ gậy, phun diệt muỗi xử lý ổ dịch. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng chưa được sử dụng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt...", ông Trần Đắc Phu nói.

Nguyễn Huệ

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment