Từ ngày 7 đến 9/5, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Văn phòng Globe châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị Điều phối viên quốc gia chương trình Globe trong khu vực. Tham gia có đại diện 16 nước.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu của các quốc gia thành viên. Các đại biểu sẽ thảo luận về khả năng hợp tác trong khu vực và quốc tế cũng như cập nhật kiến thức mới để phát triển Globe - Chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu.
Tiến sĩ Tony P.Murphy, Giám đốc Văn phòng thực hiện Globe hướng dẫn giáo viên Việt Nam tham gia thực hành nội dung về đất. Ảnh: VNSC. |
Ông Vũ Anh Tuân, Điều phối viên quốc gia chương trình Globe tại Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm vũ trụ cho biết, điều quan trọng và hay nhất của Globe là thông tin về môi trường sẽ được đưa lên toàn bộ website chung toàn cầu với sự tham gia của 120 quốc gia. Nếu có thông số tại các điểm đo thì sẽ tạo ra cơ sở dữ liệu khoa học lớn - điều mà không tổ chức hay nhà khoa học nào có thể làm được. Thông qua Globe, học sinh Việt Nam sẽ chia sẻ và khai thác dữ liệu với Mỹ và các nước, phục vụ khoa học.
Chương trình Globe đã được thí điểm tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, như trường THPT Chuyên Hà Nội -Amsterdam, THCS Thực nghiệm và THCS&THPT Nguyễn Tất Thành từ năm học 2017-2018, bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Với kinh nghiệm và giải pháp hiện đại từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Globe đã mang lại bước tiến lớn trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành động của cộng đồng, xây dựng nguồn nhân lực, giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam trong việc sử dụng công nghệ vũ trụ bảo vệ môi trường xanh của Trái đất.
Trước đó ngày 5/5, giáo viên Việt Nam đã được đào tạo nhằm trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng cũng như phương pháp thực hành ba chủ đề cơ bản của Globe gồm: Khí quyển, thủy quyển và đất. Giáo viên cũng được học cách đăng tải dữ liệu trên trang Globe quốc tế.
Globe là chương trình khoa học và giáo dục môi trường quốc tế nhằm đưa học sinh 6-18 tuổi, giáo viên và nhà khoa học cùng nhau học tập về môi trường toàn cầu. Đây cũng là chương trình liên ngành với cơ cấu tổ chức và điều hành được tài trợ bởi NASA, Cơ quan đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA), Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) cùng nhiều đơn vị khác. Ra đời năm 1995, hiện mạng lưới chương trình Globe gồm 113 quốc gia hợp tác để đào tạo gần 60 nghìn giáo viên và 2 nghìn sinh viên tham gia thu thập dữ liệu, nâng cao nhận thức về môi trường Trái đất. |