"Hố tử thần liên quan đến dòng chảy ngầm dưới mặt đất, chủ yếu do hiện tượng karst gây ra", tiến sĩ Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) phỏng đoán nguyên nhân xuất hiện hố sâu hơn 2 m, rộng hơn 70 m2 ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) tối 5/4.
Nền địa chất ở khu vực có các tầng trầm tích bở rời, dễ bị rửa trôi như đất, bùn, cát. Hang karst bị lấp bởi các vật liệu này, nhưng ở dưới vẫn tồn tại dòng chảy ngầm. Dòng chảy di chuyển và gây xói lở vật liệu.
Khi chiều dày của tầng vật liệu nằm trên đủ lớn thì chúng vẫn giữ được cân bằng lực và không xảy ra sụt lún. Đến một lúc nào đó, lượng lớn đất đá bên dưới bị xói, được dòng chảy ngầm mang đi làm cho chiều dày tầng phủ bị giảm đáng kể, lúc này xảy ra mất cân bằng lực và "hố tử thần" xuất hiện.
Hố tử thần rộng hơn 70 m2 ở Quảng Ninh. Ảnh: CTV. |
Đồng tình quan điểm trên, một chuyên gia địa chất cho rằng, "hố tử thần" ở Quảng Ninh là do hoạt động của quá trình karst ngầm. Hiện tượng này không lạ, năm 2016 ở Quảng Ninh cũng có hố sụt lún.
Hoạt động hang ngầm là hiện tượng tự nhiên nên theo các nhà khoa học rất khó dự báo khi nào xảy ra. Họ kiến nghị nên nghiên cứu cấu tạo địa chất và hoạt động karst, từ đó đưa ra kế hoạch tránh tổn thất khi sụt lún bất ngờ.
Ngày 5/4, một người dân ở khu Cao Sơn 1, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả đi từ trong nhà ra ngõ thì bất ngờ hàng chục mét vuông sụt xuống cuốn theo người và hai xe máy. Nhà chức trách điều máy xúc đến san lấp đất đá thì phương tiện này cũng bị rơi xuống hố.
Trước đó tháng 9/2016, khu phố Nam Sơn, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả xuất hiện hố sụt lún khoảng 100 m2, sâu 4-5 m.