Hóa thạch nodosaur tại bảo tàng. Video: National Geographic.
Dù không thể kết luận chính xác con khủng long 112 triệu năm tuổi chết như thế nào, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu quá trình biến quái vật cổ đại thành hóa thạch 3D nguyên vẹn như thể bức tượng một con rồng đang say ngủ, theo Fox News.
Sự kết hợp giữa lớp vỏ bảo vệ (bộ giáp bằng xương cứng) và hoàn cảnh đặc biệt không chỉ giúp con vật thoát khỏi tầm ngắm của những loài ăn xác thối mà còn góp phần hình thành hóa thạch độc đáo của nó, theo trưởng nhóm nghiên cứu Donald Henderson, quản lý phòng trưng bày khủng long ở Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell ở Alberta, Canada. Kết quả phân tích được công bố hôm 25/8 trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội cổ sinh vật học động vật có xương sống.
Minh họa xác khủng long nodosaur bị cuốn trôi ra biển. Ảnh: National Geographic. |
"Đây là con khủng long bọc giáp được bảo quản tốt nhất thế giới", Live Science dẫn lời Henderson. "Chất lượng bảo quản và hình dáng nguyên vẹn biến mẫu vật thành phiến đá Rosetta Stone để giải mã những loài khủng long bọc giáp".
Con khủng long nodosaur có nhiều gai nhọn, loài họ hàng bọc giáp của khủng long ankylosaur , được phát hiện ở khu mỏ Suncor Millennium Mine tại Alberta năm 2011. Nhóm nghiên cứu rất kinh ngạc khi thấy hóa thạch không bị đè bẹp dưới sức ép của đất đá và trầm tích sau hàng triệu năm. Nhiều yếu tố đồng thời tác động đã dẫn tới sự hình thạch hóa thạch 3D hiếm có của loài khủng long mới được xác định B. markmitchelli, theo Henderson.
Các nhà nghiên cứu chưa rõ con khủng long dài 5,5 mét tử vong như thế nào, nhưng ngay sau khi chết, B. markmitchelli bị cuốn xuống đường biển nội địa cổ đại trải dài từ vịnh Mexico tới Bắc Băng Dương. Con khủng long trôi xa khỏi tầm với của bất kỳ động vật săn mồi nào, từ khủng long ăn thịt đến loài ăn xác thối dưới nước như cá sấu nước ngọt.
Cơ thể thối rữa khiến xác con khủng long chứa đầy khí, căng phồng và trôi càng lúc càng xa dọc đường biển, tránh khỏi sự phá hủy của sóng biển gần bờ và một số loài ăn xác như cua và sâu nước nhiều lông.
Phần lớn xác động vật chết căng phồng sẽ phát nổ sau khi chết ít ngày, nhưng lớp giáp cứng dày của B. markmitchelli có khả năng chống chịu áp suất cao từ khí nén giải phóng ra từ các cơ quan nội tạng đang phân hủy của con vật. Điều này chắc chắn cũng làm chậm sự nứt vỡ cuối cùng của thành cơ thể.
“Lớp da dày đầy gai ngăn cản các động vật ăn xác ở biển như cá mập và khủng long cổ dài plesiosaur. Xác con vật chìm xuống vùng nước sâu, nơi không có nhiều dạng sống sinh vật bởi môi trường quá lạnh và tối, không phù hợp với loài ăn xác thối”, Henderson cho biết.
Con khủng long nodosaur nặng 1.360 kg đáp xuống đáy biển trong tư thế nằm ngửa với lực va đập mạnh, tạo ra một miệng hố va chạm. Xác con vật vùi dưới lớp bùn cửa biển. "Lớp bùn này bao kín bên ngoài phần da bọc giáp và vảy, ngăn khí oxy ở bên ngoài, nhờ đó cơ thể còn lại của khủng long ít bị phân hủy. Tình trạng phân hủy ít giúp bảo quản những chiếc vảy, lớp vỏ giáp và thậm chí các hạt màu trong da khủng long", Anderson nói.
Trong lúc xác chết thối rữa, những hợp chất khác nhau như putrescine (chất hữu cơ mùi chua hình thành khi amino axit bị phá vỡ) làm biến đổi thành phần hóa học ở đáy biển, thúc đẩy sự phân hủy nhanh chóng của chất khoáng xung quanh cái xác, tạo ra một cỗ quan tài bảo vệ đặc biệt dày.
"Độ cứng chắc của cỗ quan tài tránh cho mẫu vật bị đè bẹp bởi lớp đất đá dày một kilomet ở phía trên trong gần 112 triệu năm", Henderson chia sẻ.
Henderson và đồng nghiệp phân tích các chi tiết bằng cách quan sát đặc điểm địa chất của khu mỏ. Họ cũng kiểm tra kết cấu giống cỗ quan tài cùng với trầm tích ở bên trong và ngoài cơ thể con khủng long.
Dựa theo nghiên cứu khoáng vật học lớp đất đá bao quanh khủng long nodosaur, họ có thể khẳng định mẫu vật nằm ở vùng biển sâu ít nhất 50 m.
Phương Hoa