Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. |
Theo công bố mới nhất, Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Đặc biệt, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim làm cho hàng trăm nghìn người tử vong, liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.
TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, số người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch vẫn có xu hướng tăng cao do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng. Kết quả điều tra của bộ Y tế năm 2015 cho thấy, trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới 57% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị; đồng thời có tới 70% số người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.
Do đó, kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏeđịnh kỳ hoặc qua các lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế... Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.
Theo cục Y tế dự phòng, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh theo khuyến cáo dưới đây:
1.Chế độ ăn hợp lý: Dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày.
2.Duy trì cân nặng hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
3.Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu.
4.Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.
5.Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý.
6.Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đỗ Thơm