Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, hiện nay các bà nội trợ sính dùng các loại sữa hạt cho trẻ ăn thay thế sữa bò. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm dùng sữa hạt sẽ an toàn hơn cho trẻ. Vì vậy, nhiều gia đình, khi trẻ mới 1 tuổi đã “tẩm bổ” cho con bằng các loại sữa hạt.
Chị Nguyễn Thu Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Sữa hạt có thể dùng được cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Khi cho trẻ uống lưu ý uống từ loãng cho tới đặc. Gia đình tôi cả nhà dùng sữa hạt, mấy đứa trẻ nghiện món này lắm”.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, có không ít trẻ phải nhập viện trong tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng do uống sữa hạt. Ths.BS Lê Thị Hải (Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng Quốc gia, viện dinh dưỡng Quốc gia) cho hay, có trường hợp cả mẹ và con đều gầy yếu mệt mỏi khi đến khám. Bệnh nhân này dù ăn rất tốt nhưng hàng tháng vẫn sụt cân và con của bệnh nhân 19 tháng tuổi cũng còi cọc, không thể lên cân. Khi bác sĩ “truy” nguyên nhân thì người mẹ trẻ mới cho biết đã học công thức chế biến sữa hạt yến mạch cho mẹ và con uống hàng ngày.
Lạm dụng sữa hạt khiến trẻ bị còi cọc (Ảnh minh họa). |
“Việc uống sữa ngô, khoai, yến mạch… không khác gì ăn những thực phẩm đó. Bản chất nó vẫn là ngũ cốc, không phải là sữa. Sữa hạt chỉ là thức ăn bổ sung hỗ trợ thêm. Còn những bà mẹ đã ít sữa và không có sữa nếu nuôi con bằng sữa hạt, cân nặng có thể tăng nhưng chắc chắn sẽ thiếu vi chất, dinh dưỡng, tình trạng thiếu hụt kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ”, Ths. Bs Lê Thị Hải tư vấn.
BS Hải cho hay, dù các loại sữa hạt giàu đạm và chất béo nhưng nó lại có nguồn gốc thực vật. WHO khuyến cáo, trẻ em dưới 6 tháng phải ăn chất đạm 100% có nguồn gốc động vật. Có nghĩa là em bé dưới 6 tháng tuổi phải bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp mẹ mất sữa, thiếu sữa, phải dùng sữa bột công thức thay thế, tuyệt đối không dùng sữa hạt.
Đối với nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ ra trẻ sẽ phải ăn thức ăn bổ sung. Trẻ sẽ làm quen ăn với các loại ngũ cốc (trong ngũ cốc có đạm thực vật) và phải ăn 70% có đạm nguồn gốc động vật. Đạm có nguồn gốc động vật cân đối và đầy đủ các axit amin thiết yếu. Trong khi đó, đạm thực vật thường không cân đối, thiếu axit amin thiết yếu.
N.Giang