Phố đi bộ cuối tuần đông đúc náo nhiệt, khắp nơi ồn ã tươi vui, tỏa sáng nụ cười dưới ánh đèn lung linh. Các cặp đôi tình tứ ôm nhau, lặng lẽ ngắm nhìn những chiếc váy cô dâu trắng tinh tung bay bên cạnh tòa nhà lớn, thầm ước ao sẽ có ngày mình cũng được nắm tay người thương chụp ảnh cưới.
Đi một vòng chán chê mê mỏi, thế nào cũng thấy đói và mệt, hãy cố gắng đi thêm một chút xíu xiu về phía đầu phố Hai Bà Trưng, ngay đằng sau khu trung tâm thương mại Tràng Tiền. Chắc nhiều người còn nhớ số 20 Hai Bà Trưng, lối vào rạp chiếu phim xa ngái một thời vừa đóng cửa hồi tháng 11 năm ngoái - Cinematheque. Ngay đầu lối đi ấy, phía tay phải, giữa những hàng xe máy chật ních và hàng bánh rán, trà đá vỉa hè... có một quán ăn nhỏ xinh nhưng lúc nào cũng đông khách, thơm nức mùi chua cay, tồn tại từ cách đây hơn 20 năm.
Đầu ngõ 20 Hai Bà Trưng, gần rạp phim Cinematheque cũ, có một hàng ăn lâu đời chuyên bún, lẩu cực ngon
Cái quán cũ xưa này khá đặc biệt, nó không nằm hẳn ở vỉa hè, cũng chẳng có không gian kín, nó "mượn" một nửa con ngõ nhỏ của tổ dân phố bên trong để kê một dãy bàn ghế dài. Quán chỉ mở từ 3 rưỡi chiều đến tận đêm khuya, ban ngày ở đây có một quán khác bán món ăn y chang, nhưng hương vị thì không giống và cũng không nổi tiếng bằng. Khá nhiều người yêu thích địa chỉ này bị nhầm lẫn giữa 2 quán, tuy nhiên chỉ ăn đến lần thứ 2 sẽ biết rõ sự khác biệt, và món ăn làm nên tên tuổi của quán 20 năm là bún lòng chua cay, cứ hỏi kiểu gì cũng có người chỉ cho bạn, nếu có nhã ý tìm đến để thưởng thức.
Quán được nhiều người yêu thích vì có chỗ gửi xe, dù đông đúc vẫn có chỗ ngồi thoải mái
Quán rất dễ nhận ra vì nằm ngay mặt phố
Nghe tên đã thấy hấp dẫn rồi phải không? Quán này hồi xưa có tên là "Lòng heo đặc biệt", được một cặp vợ chồng về hưu ở ngay trong ngõ 20 Hai Bà Trưng mở ra, sau đó truyền lại cho con cháu. Cô Hải Hồng (41 tuổi, chủ quán) vui vẻ cho biết, gia đình cô đã làm ăn sinh sống ở đây hơn 60 năm rồi.
"Tôi làm dâu ở đây từ hồi mở quán lòng heo đặc biệt ấy, mẹ chồng tôi rất khéo, bà đem tất cả những gì tinh hoa nấu nướng để làm nên những món ăn ngon từ cỗ lòng heo. Giờ ông bà già yếu nên để lại cho con cháu tiếp quản, duy trì truyền thống ẩm thực của gia đình".
Cô Hải Hồng chủ quán "Lòng heo đặc biệt" 20 năm tuổi và con gái Ngọc Thúy - cô chủ nhỏ tương lai
Bản thân cô Hồng trước đây là tiểu thương bán lòng ở chợ Hàng Thùng, với kinh nghiệm hơn 20 năm buôn bán, cô rất dày dặn kinh nghiệm chọn nguyên liệu cho quán nhà mình. Cô có 2 người con, một trai một gái, con trai cả của cô năm nay 25 tuổi, sau khi học xong thì về quản lý quán, còn con gái thì phụ giúp thu ngân. Chính nhờ sự sáng tạo đổi mới thực đơn do con trai cô làm, mà ngày càng nhiều thực khách biết đến "thương hiệu bún lòng chua cay" gần bờ Hồ. Anh chàng trẻ tuổi tài ba ấy là Phạm Trung Hiếu, cứ đến quán ăn thì kiểu gì cũng gặp thanh niên cao kều mét chín chạy vòng quanh luôn tươi cười với khách.
"Mình phụ giúp ông bà, bố mẹ ở quán từ bé rồi, nhưng cách đây 3 năm, mình đi ăn nhiều nơi thấy xu hướng đồ ăn Thái rất hot, nên bàn với mọi người thử thay đổi thực đơn vốn đã khá lâu đời rồi. Mẹ mình bắt đầu nghiên cứu chuyển sang nấu bún lòng, lẩu lòng, lẩu Thái... và may mắn được khách ủng hộ nhiệt tình. Tối nào quán cũng chật kín, cuối tuần thì phải đặt bàn trước mới có chỗ, làm việc vất vả nhưng mình luôn thấy vui, cảm ơn mọi người đã yêu thích đồ ăn nhà mình".
Trung Hiếu - con trai cô Hồng, người sáng tạo ra thực đơn mới, "thay áo" cho quán ăn 2 thập kỷ của gia đình
Ở quán có rất nhiều món ngon được chế biến từ bộ lòng heo, như lòng rán, dồi, dạ dày, tràng luộc, lẩu lòng đặc biệt, lẩu Thái chua cay... tuy nhiên, món tủ được thực khách "nghiện" nhất chính là bún lòng. Chắc nhiều người quen thuộc với cháo lòng, sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một bát bún trắng hếu với mấy miếng lòng non, vài lát gan bên trên. Nhưng nếu nếm thử bún lòng ở quán 20 Hai Bà Trưng, sẽ thấy ngạc nhiên với "vị ngon như nhà làm".
Món ăn pha trộn giữa ẩm thực truyền thống lẫn hiện đại này đã hớp hồn hàng nghìn thực khách
2/3 khách đến quán, dù lần đầu tiên hay cả trăm lần đều thích gọi món bún lòng vì hương vị khó quên
Một bát bún lòng đầy đủ 35 ngàn đồng ở đây bao gồm nhiều nguyên liệu với bí quyết riêng không đâu có, bún chọn loại sợi to, dài, mịn, không phải bún rối, điểm thêm lòng, tim, cật, gan, tràng non thái lát, thêm một ít nấm kim châm, rau thơm hành mùi, và nước dùng thì tuyệt ngon, mang hương vị lạ lùng khó tả. Tò mò về thứ nước dùng chua cay vừa quen vừa lạ, cô chủ quán nháy mắt giải đáp ngay lập tức.
"Nồi nước dùng của nhà tôi có hơn 10 loại gia vị, ngoài những hương liệu truyền thống Việt Nam thì có sự kết hợp của cốt dừa, nghệ, nước hoa quả... Tôi không dùng mì chính, chỉ lấy vị ngọt tự nhiên từ các loại rau củ, hoa quả thôi, chế biến theo cách riêng, mỗi hôm lại thay đổi một vài hương liệu, những vị khách thường xuyên đến đây còn phải ngạc nhiên thốt lên là nước dùng tôi pha chế không ngày nào giống ngày nào cả. Mỗi lần quay lại quán là một lần được nếm thử nước dùng khác hẳn, chua cay cực mềm, cực dịu, có thể thay đổi 1-2 loại gia vị cũng tạo nên hương vị khác biệt".
Để làm được một bát bún lòng cũng khá cầu kỳ
Khách gọi thì người đứng bếp mới bắt đầu thái nguyên liệu, hơn 10 loại như lòng, dồi, đậu, rau thơm...
Bún được trần qua cho mềm, sau khi xếp đủ nguyên liệu thì rưới nước dùng đặc biệt lên
Càng nghe cô Hồng kể chuyện, tôi càng thấy cuốn hút, một bát bún đầy ụ mà ai đến ăn kể cả trẻ con cũng vét cạn đến thìa nước cuối cùng, đủ biết lời kể ấy là thật chứ không phải chuyện thần tiên. Đó là cái đặc biệt nhất, quyến rũ nhất của quán ăn 20 năm tuổi này, niềm say mê với ẩm thực của người phụ nữ Hà thành đã làm nên thương hiệu "xịn" cho hàng ăn nhỏ xinh mặt phố Hai Bà Trưng. Chị Minh Anh (20 tuổi, nhân viên ở Tràng Tiền Plaza) hầu như tối nào cũng ra quán cô Hồng, chỉ gọi đúng mỗi bún lòng, ăn bao nhiêu ngày không chán.
"Mình thường xuyên ra đây ăn luôn, lần đầu tiên vào quán thì vô tình thôi, thấy đông đông thì ghé, được anh chủ quán gợi ý ăn thử món chạy nhất ở quán là bún lòng, mình ok, cuối cùng thì nghiện luôn. Lúc no bụng không sao, cứ đói là thèm món ấy (cười)".
Cô nàng xinh xắn Minh Anh là khách ruột của quán
Thật khó tin là cô chủ quán có thể làm nên những điều kỳ diệu như thế trong một nồi nước dùng, nhìn cô thoăn thoắt làm đồ ăn cho khách, khéo léo xếp nguyên liệu lên cả chục bát bún một lúc, tay múc nước dùng rưới đều như một bà tiên cầm đũa phép biến hóa cho những lát lòng dồi, rau thơm... trở thành nghệ thuật ngon lành đến với thực khách. Nói không phải quá khen, nhưng ai đến đây nếm thử "món tủ" của quán rồi, về kể lại thế nào cũng khiến người khác nghi ngờ, chỉ có tận tay gắp bún cho vào miệng, cảm nhận hương vị thơm ngon hòa quyện tuyệt vời giữa các bí quyết ẩm thực Việt - Thái, mới biết những gì mọi người truyền tai nhau không phải là "quảng cáo".
Nhiều vị khách tới quán sẵn sàng ngồi chờ đợi khá lâu để được nếm đồ ăn tại quán cô Hồng
Cứ tầm chiều muộn là đoạn ngõ tầm hơn 10 mét đông nghịt khách từ lúc mở cửa đến khi dọn hàng
Khách đông nên ông ngoại của Trung Hiếu gần như tối nào cũng đến giúp trông xe, đón khách, dù đã ngoài 70
Một buổi tối, quán nhà cô Hồng bán được hơn 30kg bún, tính ra được khoảng 100 bát bún lòng. Sáng nào cô cũng có người mang lòng tươi từ lò mổ đến cho cô chọn lựa, cô Hồng bảo 10 bộ lòng thì chỉ chọn được vài phần ngon, ví dụ như bộ này được đoạn dạ dày giòn thơm nhất, bộ kia được quả cật, bộ khác lại được dải lòng non đạt tiêu chuẩn luộc lên ăn ngon quên sầu... Nguyên liệu được chuyển từ các vùng quê lên, ngon sạch, đảm bảo vệ sinh.
"Thứ ngon nhất, đắt nhất ở quán là tràng, và thỉnh thoảng có lòng se điếu. Người Hà Nội sành ăn họ rất thích chọn lòng se điếu, nhà tôi có khách VIP ở khu Hoàng Thành Tower đặt mua một lần cả 5-7 triệu tiền mua món đó, tính ra khoảng 1-2 triệu/kg lòng se điếu, cả nghìn con lợn mổ ra mới được 1 con có thôi".
Ngoài bún lòng đặc biệt thì quán nhà cô Hồng còn phục vụ các món lẩu, luộc, ăn vặt quen thuộc từ lòng heo
Tất cả mọi thứ đều được làm sạch sẽ từ khâu chọn lọc đến chế biến
Đến tay thực khách, món gì cũng ngon lành hấp dẫn như thế này
Người phụ nữ khéo léo này đã góp phần làm nên tên tuổi của một địa chỉ ẩm thực lâu đời, uy tín tại Hà Nội
Không chỉ có tay nghề, gia đình cô Hồng ai cũng tâm huyết với từng món ăn do họ làm ra, nên khách quen sành ăn luôn tin tưởng. Khách nước ngoài đến ăn đều khen, họ không biết diễn tả thế nào, chỉ "Thank you" liên tục, khiến cô Hồng gật đầu mỉm cười mãi không thôi. Cô nhớ có lần, một đoàn khách Tây vào quán, họ không ăn thịt, chỉ ăn lẩu rau và xì xụp húp nước, họ liên tục giơ tay xuýt xoa vì ngon và hợp khẩu vị. Lẩu bình thường chỉ có rau cải, muống, khoai tây, ngô nhưng nhà cô Hồng còn có bí ngố, cà rốt... khá lạ, kết hợp với nước cốt hoa quả còn được các cô gái trẻ khen là "đẹp da"! À quên, trước khi ăn nhớ gọi một ly sâm dứa, mọi người thường quen gọi trà đá nhưng riêng quán cô Hồng lại pha chế ra món uống thơm dịu, rất bổ và mát, có vị giống thảo mộc, nên thử để trải nghiệm, chắc chắn sẽ rất thú vị đấy.
Cô chủ mến khách có rất nhiều chuyện hiếm và hay ho, ăn một bát bún ở đây không chỉ được no bụng về nhà, còn thấy thêm yêu người Hà Nội, ẩm thực Hà Nội, và khám phá thêm cả đống chuyện hay ho quanh hàng xưa quán cũ mà phải ngồi ở những nơi ấy mới cảm nhận được. Nếu chàng trai nào có ý định chinh phục một cô gái, hãy đưa cô ấy đến quán ăn cũ xưa 2 thập kỷ này, mời cô ấy một bát bún, thế nào cũng được "người thương" động lòng!
Let's block ads! (Why?)