Kính viễn vọng vô tuyến Ratan-600 được sử dụng để tìm kiếm tín hiệu từ vũ trụ. Ảnh: Alamy. |
Theo Guardian, các nhà khoa học điều hành kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ Ratan-600 ở vùng Kavkaz, Nga, mới đây thông báo tín hiệu được cho là phát ra từ ngôi sao HD 164595 xa xôi rất có thể là kết quả của nhiễu loạn trên Trái Đất.
Ratan-600, kính viễn vọng nằm ở Zelenchukskaya trên dãy núi Kavkaz chạy qua châu Âu và châu Á, bắt được tín hiệu vô tuyến kỳ lạ vào ngày 15/5/2015, được cho là có nguồn gốc từ HD 164595, ngôi sao giống Mặt Trời trong chòm sao Hercules cách Trái Đất 95 năm ánh sáng.
Hôm 29/8, các nhà thiên văn Nga quyết định nhờ Trung tâm dạng sống thông minh ngoài hành tinh (SETI) xem xét kỹ hơn dải tín hiệu có cường độ tăng vọt để xác định đó có phải thông điệp do người hành tinh khác gửi đến Trái Đất hay không.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tín hiệu, các nhà khoa học tới từ Đại học Quốc gia Moscow và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) đưa ra kết luận chính thức. "Quá trình phân tích và nghiên cứu các tín hiệu sau đó cho thấy nó rất có thể bắt nguồn từ Trái Đất", Yulia Sotnikova, nhà thiên văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, viết trong bản báo cáo cập nhật hôm 31/8.
Báo cáo cho rằng không có cơ sở nào để khẳng định những tín hiệu đó xuất phát từ người ngoài hành tinh sinh sống trên HD 164595. "Trong hoạt động tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất, một chiếc kính viễn vọng là không đủ. Một loạt kính sẽ tốt hơn", Seth Shostak, nhà thiên văn học lâu năm thuộc Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất ở California, Mỹ, cho biết.
Ratan-600 là thiết bị hữu ích giúp thu nhận tín hiệu yếu từ các khu vực rộng lớn trong vũ trụ. "Việc quan sát bằng Ratan-600 được thực hiện nhờ khả năng thu nhận tín hiệu của nó trong khu vực rộng hàng nghìn mét vuông. Độ nhạy cao của chiếc kính viễn vọng này giúp chúng ta tiếp nhận tín hiệu yếu trong vũ trụ", Sotnikova viết.
Xem thêm:
Hiền Anh