Là một trong 200 nhân viên của công ty đang thử nghiệm chỉ làm việc 4 ngày một tuần ở New Zealand, chị Taylor nói rằng không biết có đồng nghiệp nào muốn quay lại thói quen cũ và chỉ được nghỉ 2 ngày một tuần không.
Bản thân chị, tuần đầu tiên được nghỉ 3 ngày, Taylor cảm thấy mệt hơn đi làm vì tận dụng khoảng thời gian này để chơi với con và làm vô số việc không tên trong nhà. Tuy nhiên, sau vài tuần, chị quen dần và thấy thư thái từ chiều thứ 5.
Chị cũng kể rằng sự thay đổi này có ảnh hưởng đáng kể tới công ty - văn phòng yên ắng hơn vì các nhân viên đều tập trung làm việc chăm chỉ để hoàn thành các nhiệm vụ của mình trong vòng 4 ngày, theo Guardian.
Chị Kirsten Taylor, nhân viên công ty Perpetual Guardian (New Zealand) tận hưởng 3 ngày cuối tuần bên con trai. Ảnh: Stuf. |
CEO của công ty chị, Andrew Barnes, thông báo về ý tưởng này từ tháng 2 và áp dụng từ tháng 3 tới giữa tháng 4. Dù được rút ngắn thời gian làm việc, lương của các nhân viên vẫn được giữ nguyên.
Thử nghiệm này có ý nghĩa với lực lượng lao động lớn hơn tại New Zealand bởi nếu nó thành công thì có thể được nhân rộng khắp các doanh nghiệp.
Barnes cho biết các nhân viên của ông đều rất tin tưởng vào hiệu quả của ý tưởng này và mong muốn nó được áp dụng thực sự.
"Tôi không cảm thấy áp lực về việc thử nghiệm này phải thành công nhưng tôi nghĩ các nhân viên của tôi thì có. Mọi người nói rằng chúng tôi phải làm việc này vì New Zealand", ông nói.
Theo nghiên cứu từ Diễn đàn kinh tế thế giới, lao động New Zealand làm việc 1.752 giờ trong năm 2016, gần với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đứng đầu các nước làm việc ít giờ của tổ chức này là Đức (1.363), sau đó là Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Pháp.
Trở lại với trường hợp Taylor, chị nói rằng một trong những ưu điểm lớn nhất của thử nghiệm là được dành thời gian cho gia đình, tiết kiệm tiền gửi con và hoàn thành các việc mình cần làm.
Tuy nhiên, theo chị, phong cách làm hết mình trong thời gian ngắn để được nghỉ nhiều hơn hợp với chị nhưng chưa chắc đã là lựa chọn của mọi người.
Christine Brotherton, người đứng đầu về nhân sự tại công ty cho biết một số nhân viên chưa nhận ra nếu chúng ta có 3 ngày nghỉ thì 4 ngày ở cơ quan phải làm việc thực sự hiệu quả.
Theo Otago Daily Times, mặc dù tận hưởng thời gian làm việc ngắn hơn so với các nước thuộc OECD, Đức vẫn có mức làm việc hiệu quả rất cao. Các số liệu cho thấy nhân công Đức làm việc hiệu quả hơn 27% so với lực lượng lao động Anh (nơi vẫn duy trì làm việc 1.676 giờ một năm).
Vương Linh
No comments:
Post a Comment