Thông tin từ anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc ngân hàng Mắt, bệnh viện Mắt Trung ương, hiện tại ở nước ta có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc.
Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân gây mù giác mạc là do viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.
Số bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc hiện nay khoảng 1.000 người, ngân hàng Mắt có thể cung cấp khoảng 200 giác mạc cho các bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân không may bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra.
Từ sau câu chuyện hiến giác mạc của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời do bệnh hiểm nghèo, đã thắp lên ngọn lửa nhân ái sâu rộng trong cộng đồng. Số người đăng ký hiến giác mạc nói riêng, hiến mô tạng nói chung tăng lên đột biến chỉ trong ít ngày từ sau khi bé Hải An qua đời.
Theo anh Nguyễn Hữu Hoàng, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Đồng thời, giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở bất cứ đâu (nhà, bệnh viện hay nhà xác).
Hiến giác mạc không phân biệt tuổi tác và giới tính (Ảnh minh họa).
Những người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay những người mắc bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Trừ những trường hợp bị nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C… vẫn phải tính phương án loại trừ để tránh nguy cơ rủi ro cho người ghép.
“Khác với tạng là phải lấy khi bệnh nhân chết não, giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tiếng”, anh Hoàng trao đổi.
Bên cạnh đó, anh Hoàng cũng lý giải: Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, giúp ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt, giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật.
Vì vậy, khi hiến giác mạc, các kỹ thuật viên chỉ bóc tách lớp màng mỏng đó điều này không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến và cũng không gây chảy máu. Thời gian thực hiện tách lấy giác mạc được tiến hành rất nhanh chóng (khoảng 25 - 30 phút).
Sau khi hiến giác mạc khuôn mặt người hiến không có gì thay đổi, chỉ như đang nhắm mắt nằm ngủ sau khi được đậy mắt xuống.
“Để chất lượng giác mạc được tốt khi người hiến mất, người thân nên vuốt mắt, đặt bông ẩm hoặc đắp khăn ướt có đá lên mắt, đặt đầu người quá cố lên gối cao. Tắt quạt, bật điều hòa (nếu có) người nhà nên nhanh chóng gọi điện báo cho ngân hàng Mắt, tình nguyện viên hoặc hội Chữ thập đỏ”, anh Hoàng chia sẻ.
Về quy trình lấy giác mạc, anh Hoàng cho biết, khi người hiến tặng qua đời, người nhà gọi về Ngân hàng Mắt. Phía Ngân hàng Mắt sẽ tiếp nhận các thông tin của người hiến tặng (tên, địa chỉ, số điện thoại…). Các kỹ thuật viện tại Ngân hàng Mắt sẽ kiểm tra lại trang thiết bị, xe để di chuyển đến nơi người hiến.
Tới nhà bệnh nhân, cán bộ tại Ngân hàng Mắt làm các thủ tục cần thiết: chia buồn, tìm hiểu thông tin người hiến, nguyên nhân tử vong… Sau đó lập biên bản thu nhận giác mạc.
Trước khi lấy giác mạc, kỹ thuật viên sẽ vệ sinh vùng ngoài và trong mắt của người hiến kỹ hơn so với việc vệ sinh trong phòng mổ để đảm bảo vệ sinh tiệt trùng. Khi bóc tách lấy giác mạc phải đảm bảo giác mạc không bị co kéo và gấp nếp. Thời gian lấy giác mạc từ 20 - 30 phút tùy từng vào từng trường hợp.
Lấy xong giác mạc của người hiến tặng, kỹ thuật viên sẽ đạy lại mi mắt sao cho kín như người đang ngủ và lấy mẫu máu của người hiến đem về xét nghiệm.
Giác mạc của người hiến sau khi lấy chỉ có thể bảo quản trong dung dịch nuôi dưỡng giác mạc tối đa trong khoảng thời gian 14 ngày ở nhiệt độ từ 2 đến 4 độ C. Chính vì thế, giác mạc sau khi được lấy nên ghép càng sớm càng tốt.
Địa chỉ tiếp nhận giác mạc: Ngân hàng mắt tầng 4 nhà D, Bệnh viện Mắt Trung ương, 85 Bà Triệu hoặc gọi điện thoại tới số 024.39454799 để được tư vấn hiến giác mạc. Đối với những bệnh nhân ở xa khi tiếp nhận được thông tin muốn hiến giác mạc ngân hàng sẽ xin lại thông tin cá nhân gửi thư cảm ơn, mẫu đơn xin hiến theo đường bưu điện |
Nguyễn Huệ
No comments:
Post a Comment