Vị Giám đốc bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người tham gia vào ca mổ lấy tạng của người quân nhân hiến đa tạng cứu 6 người, còn nhớ mãi cuộc trò chuyện của chị Kiều với chồng trước khi anh được đưa vào phòng phẫu thuật.
Chiều ngày 28/3, tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã diễn ra lễ tri ân, tôn vinh thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình vì trước đó đã có quyết định hiến tạng của vị quân nhân này cho y học khi anh chết não, cứu sống 6 người.
Bệnh viện, nơi thực hiện những ước nguyện của anh Ninh và gia đình, gửi tặng thẻ khám bệnh ban đầu ngay tại Bệnh viện 108 cho tứ thân phụ mẫu, vợ và hai anh. Riêng con anh N. sẽ được tuyển vào bệnh viện 108 làm việc nếu sau này cháu đi theo con đường ngành y.
Khi biết chồng không thể qua khỏi chị Tạ Thị Kiều (vợ quân nhân đã chết não) muốn chồng ra đi thanh thản và cứu sống được cho nhiều bệnh nhân khác. Chị Kiều đã xin gia đình, anh em trong nội tộc để hiến tạng của anh cho người đang cần tới.
Lễ tri ân anh Ninh và gia đình.
Chia sẻ với PV, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người tham gia vào ca mổ lấy tạng của người quân nhân ấy, còn nhớ mãi cuộc trò chuyện của chị Kiều với chồng trước khi anh được đưa vào phòng phẫu thuật.
“Tôi còn nhớ như in chị đã khẽ chạm tay vào chồng mình và nói như thể anh vẫn còn nghe thấy: "Em không biết việc của em là đúng hay sai? Em không biết anh có giận em không? Nhưng em muốn anh cứu được những người khác. Anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt anh vẫn sáng ngời theo dõi thấy được mẹ con em sống như thế nào". Dường như anh cũng nghe được những lời nói và quyết định đầy tính nhân văn của chị”, GS.TS Mai Hồng Bàng xúc động nói.
Quyết định của chị Kiều đã cứu sống 6 bệnh nhân hiểm nghèo. Trái tim của chồng chị giờ đã đập trong lồng ngực của anh Nguyễn Quốc Hùng (30 tuổi). Hai lá phổi anh Ninh vẫn tiếp tục thở trong lồng ngực của anh Trần Ngọc Hanh (64 tuổi). Hai quả thận của anh được ghép cho 2 người khác nhau ở hai đầu đất nước. Hai giác mạc vẫn đang dõi theo cuộc sống vợ con và gia đình.
Một ca ghép tạng thành công không chỉ có kỹ thuật mà cần có sự đồng thuận của gia đình người cho tạng. Bởi vì trên thực tế, cách đây khoảng 8 năm thực hiện đề tài ghép mô tạng người, bác sĩ đã thuyết phục được gia đình bệnh nhân chết não đồng ý. Tuy nhiên tới phút chót gia đình lại thay đổi ý định nên không thể lấy được tạng của người bị chết não.
GS.TS Bàng cho biết thêm: “Khi sống, đồng chí Ninh là một quân nhân mẫu mực, một người chồng, người cha trách nhiệm, được đồng chí yêu mến. Khi mất đi đồng chí Ninh vẫn là tấm gương sáng ngời về lòng nhân ái yêu thường đồng đội và mọi người.
Sự ra đi của anh Ninh không phải là hư vô vì sự sống lại tiếp tục hồi sinh”.
No comments:
Post a Comment