Khi tuyến tụy không đủ hormone insulin thì sẽ xảy ra tình trạng nồng độ glucose trong máu tăng cao và gây ra bệnh đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng sẽ quyết định hiệu quả điều trị.
Bệnh đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính. Vấn đề quan trọng nhất của các bệnh nhân đái tháo đường chính là kiểm soát tốt đường huyết. Các bác sĩ sẽ theo dõi đường huyết của bệnh nhân và điều chỉnh các loại thuốc hạ đường huyết cho phù hợp. Tuy nhiên, không chỉ có uống thuốc là đủ mà chế độ ăn uống của bệnh nhân cũng quan trọng không kém.
Bác sĩ Đào Trọng Thịnh – Giảng viên trường cao đẳng Y Dược Hà Nội đã giải đáp những thắc mắc thường thấy về chế độ ăn uống thích hợp dành cho bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Thưa bác sĩ, mẹ tôi bị mắc bệnh đái tháo đường khoảng 1 năm nay, tôi nghe nói người bị mắc bệnh đái tháo đường ngoài uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi đường huyết thường xuyên thì chế độ ăn cũng rất quan trọng. Xin bác sĩ hãy cho biết mẹ tôi có thể ăn những loại thực phẩm nào là tốt cho sức khỏe và không làm ảnh hưởng xấu đến đường huyết?
Những loại thực phẩm mà bệnh nhân đái tháo đường nên ăn như sau:
• Trái cây và các loại rau củ: Trái cây và các loại rau củ chính là nguồn thực phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều các vitamin, khoáng chất và cả chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, có thể giúp tăng cường sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật mà không chứa quá nhiều đường như các thực phẩm giàu carbohydrat. Một số loại rau củ chứa lượng carbohydrat và calo thấp như các loại rau xà lách, rau chân vịt, súp lơ, củ cải đỏ, xà lách xoong... Các loại trái cây tươi chứa lượng carbohydrat thấp mà bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn như các loại quả có múi, cam, bưởi, quýt, mận, ổi, táo... Các loại trái cây này còn cung cấp nhiều vitamin. Mặc dù có thể một số loại trái cây chứa nhiều đường một chút nhưng đường từ trái cây hấp thu chậm hơn sẽ không làm cho đường huyết của bệnh nhân bị dao động quá mức.
• Chất đạm từ thịt nạc như thịt bò nạc có chứa acid linoleic vừa giúp ổn định đường huyết vừa có công dụng chống ung thư.
• Bệnh nhân bị đái tháo đường không nên ăn các loại chất béo xấu như mỡ mà nên sử dụng chất béo từ bơ, dầu thực vật như dầu đậu phộng, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạt cải...
• Nên ăn cá ít nhất là 2 lần trong một tuần: nguồn chất đạm và chất béo từ cá tốt hơn so với thịt. Cá còn chứa nhiều acid béo omega 3 rất tốt cho tim mạch.
- Thưa bác sĩ, tôi đã uống thuốc đúng theo toa nhưng đường huyết của tôi vẫn chưa ổn định tốt, bác sĩ nói tôi cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý hơn, xin cho tôi hỏi bệnh nhân đã mắc bệnh này thì cần tránh ăn những loại thực phẩm nào?
Người bị bệnh đái tháo đường không nên ăn các loại thực phẩm sau:
• Các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, các loại kẹo, nước ngọt ...
• Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Đây là loại thực phẩm phổ biến phải sử dụng hàng ngày, ví dụ như cơm, bún, phở... đối với bệnh nhân đái tháo đường thì mỗi buổi chỉ nên ăn một chén không nên ăn quá nhiều.
• Thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu như mỡ động vật, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, phô mai, kem... Ngoài ra cần tránh ăn các đồ đóng hộp và các loại thức ăn nhanh.
• Rượu bia và các loại đồ uống có cồn, chất kích thích có thể khiến đường máu tăng không kiểm soát.
- Thưa bác sĩ, xin bác sĩ hãy hướng dẫn tôi cách làm thế nào để có một chế độ ăn hợp lý dành cho bệnh nhân đái tháo đường?
Tôi cho rằng nguyên tắc ăn uống hợp lý dành cho bệnh nhân đái tháo đường như sau:
• Mỗi ngày thay vì ăn 3 buổi thì nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ hơn, khi ăn nên ăn chậm nhai kỹ.
• Không nên để mình quá đói hay quá no, mỗi khi cảm thấy đói nên ăn nhưng không nên ăn quá nhiều.
• Ngoài ăn uống ra thì người bệnh đái tháo đường cũng cần phải tập thể dục bằng cách đi bộ đều đặn ít nhất là 30 phút mỗi ngày hoặc có thể chơi một số môn thể thao nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe.
• Nên phân bố thời gian ngủ nghỉ hợp lý, mỗi ngày nên ngủ đủ giấc từ 6 đến 8 tiếng một ngày, không nên ngủ quá ít hoặc quá nhiều .
No comments:
Post a Comment