Theo thông tin phóng viên nhận được từ bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu 2017), phía bệnh viện đã tiếp nhận và cứu sống bệnh nhân Đỗ Như T. (Thạch Thất, Hà Nội) bị vết thương tim trong tình trạng nguy kịch.
Theo chia sẻ của BSCKII Vương Trung Kiên – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, khi vào viện, bệnh nhân T. trong tình trạng có vết thương sâu vùng thượng vị, da trắng nhợt, mạch huyết áp không đo được, tiểu tiện không tự chủ...
Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện, các bác sĩ ở đây đã tiến hành hồi sức và đưa bệnh nhân vào phòng mổ với kíp mổ do BSCK II Vương Trung Kiên đứng đầu cùng với bác sỹ Phạm Phi Long – Phó trưởng khoa Ngoại bệnh viện và một số bác sĩ, y tá khác.
Khi mở bụng kiểm tra, các bác sĩ phát hiện vết thương xuyên qua gan, rách cơ hoành, đi về phía trung thất, máu chảy nhiều.
Kíp mổ cho bệnh nhân T. (ảnh do bệnh viện cung cấp). |
Sau đó, kíp phẫu thuật nhanh chóng tiến hành mở ngực bệnh nhân, kiểm tra và phát hiện vết thương tim rách ở thành sau tâm thất phải 1cm. Nhận định thấy tình hình bệnh nhân rất nguy kịch, tiên lượng nặng nề, nếu chuyển viện nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khâu vết thương tim, gan, cơ hoành... ngay tại bệnh viện tuyến huyện của mình.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất cho bệnh nhân, các bác sĩ của bệnh viện đa khoa Thạch Thất đã đồng thời gọi hỗ trợ chuyên môn từ bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu, cùng với đó các bác sĩ liên tục hồi sức, sau khoảng 1 giờ phẫu thuật, tổn thương của bệnh nhân cơ bản đã giải quyết xong.
“Lúc này, bệnh nhân được hồi sức tích cực bởi bác sĩ gây mê Nguyễn Văn Vĩnh và bác sĩ hồi sức Lê Quang Dương, cùng với đó là kíp hỗ trợ của bệnh viện Xanh Pôn, sau đó tình trạng bệnh nhân ổn định và được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục theo dõi và hồi sức. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong tuần tới”, BS Kiên cho hay.
Vết thương ở tim bệnh nhân (ảnh do bệnh viện cung cấp). |
Nói về ca cứu sống bệnh nhân đặc biệt trên, BS Kiên chia sẻ thêm: “Bình thường bệnh nhân bị tổn thương nặng như trên, thì khả năng được cứu sống ở các bệnh viện tuyến huyện là rất thấp.
Tuy nhiên, với quan điểm tăng cường chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa đầu ngành, nên những trường hợp như bệnh nhân T. đã được cứu sống”.
Cũng theo BS Kiên, đối với những bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng như trên, người dân cần đặc biệt chú ý cách sơ cứu ban đầu và khẩn trương đưa ngay đến bệnh viện trong thời gian ngắn nhất.
Với sự thành công của ca bệnh hi hữu này, đây được coi là một “kỳ tích” và cũng là lần đầu tiên có một bệnh viện tuyến huyện cứu sống được bệnh nhân như vậy.
Nguyễn Huệ
No comments:
Post a Comment