Tuesday, March 27, 2018

Số phận của trạm vũ trụ Trung Quốc 8,5 tấn sắp đâm xuống Trái Đất

Quá trình trạm vũ trụ Trung Quốc 8,5 tấn rơi mất kiểm soát

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 được phóng lên không gian năm 2011. Video: YouTube. 

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc sắp đâm xuống Trái Đất mất kiểm soát, Live Science hôm 26/3 đưa tin. Các nhà khoa học dự kiến thời gian rơi có thể là từ ngày 30/3 - 2/4.

Trạm vũ trụ này được phóng lên từ năm 2011. Các vật thể trong quỹ đạo thấp của Trái Đất như trạm Thiên Cung 1 sẽ chịu lực cản của tầng khí quyển trên cao nên cần một lực đẩy định kỳ. Điều đó nghĩa là cần một tàu vũ trụ gắn vào đuôi vật thể này và khai hỏa các động cơ trong một thời gian ngắn, theo nhà sử học Roger Launius, cựu phó giám đốc tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng nhận được những lần hỗ trợ như vậy khi hoạt động ngoài không gian.

Thiên Cung 1 được đưa vào chế độ "ngủ" từ năm 2013, nhưng các kỹ sư Trung Quốc vẫn có thể điều khiển vị trí của trạm này trên quỹ đạo, khiến nó bay ở độ cao 330 - 390 km, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc thông báo trạm Thiên Cung 1 đã ngừng trao đổi thông tin với Trái Đất năm 2016. 

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 sắp lao xuống khí quyển Trái Đất. Ảnh: Zee News.

Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 sắp lao xuống khí quyển Trái Đất. Ảnh: Zee News.

Khi lực ma sát của tầng khí quyển trên cao tác động lên Thiên Cung 1, nó sẽ dần dần hạ thấp, tiếp xúc với tầng khí quyển đậm đặc hơn và chịu lực cản lớn hơn, do đó càng bị kéo xuống thấp và bay chậm lại. Thiên Cung 1 di chuyển ở độ cao trung bình 212 km từ ngày 26/3, theo Văn phòng kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc. Như vậy vân tốc tương ứng là 27.719 km/h.

Với vận tốc này, lực ma sát của khí quyển tạo ra sức nóng rất lớn. Tàu vũ trụ sẽ chịu được sức nóng đó nếu có vật liệu chịu nhiệt bên ngoài, nhưng các vệ tinh hay trạm vũ trụ như Thiên Cung 1 không có lớp bảo vệ này.

Ngoài sức nóng, trạm vũ trụ cũng sẽ nhanh chóng giảm tốc khi tiến vào các tầng khí quyển dày hơn. Lực hấp dẫn của Trái Đất kéo Thiên Cung 1 rơi xuống nhưng lực cản lại khiến nó giảm tốc. Cuối cùng, trạm vũ trụ bắt đầu bị vỡ và các bộ phận bung ra.

Hầu hết những bộ phận nhỏ sẽ cháy do sức nóng tạo ra bởi lực ma sát, nhưng các chuyên gia dự đoán một số mảnh vỡ sẽ vượt qua được và rơi xuống. Ở gần mặt đất, nơi khí quyển đậm đặc, những mảnh còn lại sẽ rơi chậm và nguội đi đáng kể.

Phần lớn các bộ phận nhỏ của trạm Thiên Cung 1 sẽ cháy hết. Ảnh: International Business Times.

Phần lớn các bộ phận nhỏ của trạm Thiên Cung 1 sẽ cháy hết. Ảnh: International Business Times.

Các vệ tinh cũ cỡ nhỏ và rác vũ trụ rơi từ quỹ đạo thấp của Trái Đất xuống khí quyển mỗi tháng, Launius cho biết. Hầu hết chúng sẽ cháy rụi. Những vật thể lớn hơn cũng từng rơi xuống Trái Đất. Trạm vũ trụ Mir của Nga rơi có kiểm soát tháng 3/2001. Nó vỡ thành nhiều mảnh phía trên Nam Thái Bình Dương nên các mảnh lớn đáp xuống biển và không gây nguy hiểm cho con người.

Trạm vũ trụ Skylab nặng 77 tấn của NASA rơi trở lại Trái Đất tháng 7/1979. Các nhà khoa học tại NASA kiểm soát được phần nào quá trình này khi cố gắng hướng Skylab xuống Ấn Độ Dương. Phần lớn các mảnh vỡ cháy rụi trong khí quyển nhưng một số vẫn đáp xuống Australia. "Một trong số chúng đã giết chết một con thỏ", Launius cho biết. Đây cũng là một trong rất ít những trường hợp rác vũ trụ rơi xuống gây thiệt hại.

Các chuyên gia chưa từng ghi nhận trường hợp rác vũ trụ rơi gây thương tích nghiêm trọng hay làm chết người nào. Lottie Williams, một phụ nữ ở Tulsa, Oklahoma, Mỹ, bị một mảnh kim loại to bằng lon nước ngọt từ tên lửa Delta II rơi trúng vai năm 1997 nhưng không bị thương đáng kể.

Vì không thể dự đoán chính xác thời điểm trạm Thiên Cung 1 đâm xuống Trái Đất và chỉ một sai sót nhỏ trong tính toán cũng có thể làm chệch hàng trăm hoặc hàng nghìn km trên mặt đất, nên việc dự đoán điểm rơi là bất khả thi cho đến khoảng một ngày trước khi trạm rơi xuống, theo ESA. Dù vậy, khu vực rơi dự tính cũng sẽ trải dài hàng nghìn km.

Thu Thảo

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment