Cây vân sam Sitka trên đảo Campbell. Ảnh: Pavla Fenwick. |
Chris Turney, giáo sư Khoa học Trái Đất và Biến đổi Khí hậu tại Đại học New South Wales, Australia, cùng các đồng nghiệp phát hiện nồng carbon phóng xạ trong khí quyển của Trái Đất đạt mức cực đại vào năm 1965. Họ cho rằng, đây có thể xem là điểm khởi đầu của thế địa chất mới hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi gọi là Anthropocene (thế Nhân sinh). Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 19/2, theo Live Science.
Các nhà khoa học tiến hành kiểm tra đồng vị phóng xạ carbon-14 trong lõi khoan nhỏ của một cây vân sam Sitka (Picea sitchensis) trên đảo Campbell, New Zealand. Đây là hòn đảo xa xôi, hẻo lánh nằm trên Thái Bình Dương. Cây vân sam Sitka duy nhất cao hơn 9 m trên đảo được trồng bởi Lord Ranfurly, cựu Thống đốc của New Zealand, vào năm 1907.
Carbon-14 là đồng vị phóng xạ của carbon có thời gian bán hủy gần 6.000 năm. Nó được đưa vào tầng bình lưu của Trái Đất do những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên mặt đất, bắt đầu từ năm 1945. Cây cối hấp thụ carbon khi chúng quang hợp và phát triển, vì vậy nồng độ cao nhất của carbon-14 sẽ để lại dấu ấn trong thành phần cellulose của cây vân sam Sitka.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ carbon-14 trong khí quyển đạt mức cao nhất vào giữa tháng 10 - 12/1965. Carbon phóng xạ có thể trở thành một dấu hiệu toàn cầu dùng để nhận biết tác động của con người lên hành tinh Trái Đất.
Các loài thực vật bản địa sống trên đảo Campbell cũng cho thấy dữ liệu tương tự. Nhóm nghiên cứu kiểm tra hàm lượng carbon-14 trên hai loài cây bụi lâu năm có tên khoa học là Dracophyllum scoparium và Dracophyllum longifolium. Một số cây có niên đại từ cuối những năm 1800 và cao tới 5 m so với cảnh quan xung quanh. Kết quả cho thấy, chúng cũng ghi nhận sự gia tăng của carbon phóng xạ trong khí quyển bắt đầu từ năm 1954 và đạt đỉnh trong mùa sinh trưởng từ năm 1965 đến năm 1966.
Trong những năm qua, giới khoa học đã đưa ra một số đề xuất về thời điểm chuyển tiếp sang thế địa chất Anthropocene, chẳng hạn như việc tăng lượng khí nhà kính một cách kỳ lạ khoảng 8.000 năm trước (trùng với thời điểm con người bắt đầu phá rừng và trồng lúa), hoặc sự gia tăng nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển bắt đầu vào giữa những năm 1800 do cuộc Cách mạng công nghiệp. Một dấu hiệu tiềm năng khác của thế địa chất Anthropocene có thể là sự bùng nổ mạnh mẽ về dân số hoặc thời kỳ phát triển tăng tốc của con người (Great Acceleration) sau Thế chiến II.
Thu Thủy
No comments:
Post a Comment