Thursday, March 15, 2018

Cảnh báo: Một người đàn ông bị vỡ thực quản sau khi uống nhiều rượu

Ảnh minh họa

Bệnh nhân là ông Dương V.T (45 tuổi) ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông T có tiền sử uống rượu. Buổi tối trước khi nhập viện, ông T đã uống khá nhiều rượu, sau đó bị nôn ói dữ dội kèm theo đau bụng, tức ngực.

Sáng hôm sau, bệnh nhân đã được người nhà đưa đến bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cấp cứu trong tình trạng khó thở, nôn ra máu đen, đau nhiều vùng ngực trái và phía trên rốn.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã phát hiện bệnh nhân vỡ thực quản đoạn 1/3 dưới sát tâm vị, thức ăn tràn vào màng phổi trái. Và sau khi kíp trực hội chẩn đã quyết định phẫu thuật cấp cứu, khâu lỗ thủng và dẫn lưu màng phổi.

Hiện bệnh nhân đã qua nguy kịch và nằm tại phòng hồi sức tích cực.

Từ trường hợp của bệnh nhân T, các bác sỹ cho biết, vỡ thực quản trong hội chứng Boerhaave là do sự gia tăng áp lực đột ngột trong thực quản khi nôn ói. Bệnh có thể gây biến chứng viêm trung thất, nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong khoảng 30%. Bệnh gặp ở khắp nơi trên thế giới, ở mọi chủng tộc, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới, với tỷ lệ từ 2/1 đến 5/1.

Hội chứng này thường gặp ở độ tuổi 50-70 tuổi, trong đó 80% bệnh nhân là đàn ông trung niên. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt cũng có ở trẻ sơ sinh và người trên 90 tuổi mắc hội chứng này. Độ tuổi ít bị mắc bệnh nhất là từ 1-17 tuổi, mặc dù chưa có cơ sở để giải thích điều này.

Cũng theo các chuyên gia, nếu người bệnh phát hiện sớm thì có thể hoàn toàn cứu chữa được bệnh. Sau đây là những dấu hiệu phát hiện bệnh và cách điều trị, phòng bệnh hiệu quả.

Hình ảnh siêu âm một bệnh nhân bị vỡ thực quản. (Ảnh:vtv)

Dấu hiệu sớm phát hiện chứng bệnh vỡ thực quản

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khi người bệnh bị vỡ thực quản thì  điển hình thường xuất hiện tam chứng Mackler gồm:

  • Bệnh nhân sẽc nôn ói nhiều, lặp đi lặp lại, thường gặp ở đàn ông trung niên có chế độ ăn uống nhiều và hay uống rượu;
  • Xuất hiện đau ngực: khởi phát đột ngột sau nôn, đau ở ngực dưới và bụng trên, đau có thể lan lên vai trái hay sau lưng, đau tăng khi nuốt;
  •  Tràn khí dưới da: đây là triệu chứng gặp ở 28-66% bệnh nhân và rất có tác dụng giúp cho chẩn đoán xác định bệnh. Chụp cắt lớp thấy hình ảnh tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí trung thất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì  các triệu chứng có thể thay đổi tùy vị trí tổn thương, thời gian từ lúc vỡ thực quản đến khi được can thiệp.  Một số triệu chứng có thể gặp như: sốt, vã mồ hôi, tím ngoài da, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt. Nôn ra máu: tuy ít gặp nhưng nếu có thì triệu chứng này giúp chẩn đoán phân biệt với hội chứng Mallory-Weiss. Ho thường xảy ra sau nuốt, do có sự thông thương giữa thực quản và khoang màng phổi. Khó thở, thở nhanh, do viêm màng phổi hay tràn dịch màng phổi. Khàn giọng. Bụng gồng cứng.

Còn với bệnh nhân phát hiện muộn thường có biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, nên chẩn đoán trong giai đoạn này khá khó khăn khi biến chứng nhiễm khuẩn đã che lấp các biểu hiện khác trên chẩn đoán hình ảnh.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh hiệu quả, điều quan trọng là phải có hiểu biết về hội chứng này. Nếu sau khi nôn ói mạnh mà phát hiện một hay nhiều triệu chứng nói trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được khám chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tránh uống rượu bia nhiều.

Vì vậy, các bác sỹ cho biết, việc chẩn đoán sớm hội chứng Boerhaave là rất quan trọng để cứu sống bệnh nhân.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment