Bà Lê Nhất Phương Hồng - người khởi xướng phương pháp sinh con "thuận tự nhiên".
Vài ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao trước thông tin một sản phụ tại TP.HCM thực hiện theo phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" đã xảy ra sự việc đau lòng, khiến hai mẹ con cùng tử vong.
Thông tin hiện đang được cơ quan chức năng xác minh, nhưng qua đó đã có nhiều luồng ý kiến tranh luận về tính an toàn của phương pháp này.
Nhiều câu hỏi đặt ra rằng sinh con “thuận tự nhiên” có dựa trên cơ sở khoa học và người khởi xướng cho phong trào này ở Việt Nam là ai?
Hiện tại, hội nhóm nổi bật nhất trên các trang mạng xã hội về sinh con “thuận tự nhiên” là “Hội nuôi con sữa mẹ Betibuti” với 200.000 thành viên, do “chuyên gia” Lê Nhất Phương Hồng sáng lập.
Bà Lê Nhất Phương Hồng được coi là nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mẹ bỉm sữa Việt Nam.
Theo quan điểm của mình, người phụ nữ này luôn ủng hộ và đề cao việc nuôi con bằng sữa mẹ, cùng với đó là khuyến khích các bà mẹ sinh con theo phương pháp tự nhiên bằng cách rặn đẻ ở nhà, không cần sự trợ giúp của bác sĩ hay các thiết bị y tế.
Ngoài ra, bà Lê Nhất Phương Hồng cho rằng, sau khi đẻ không được cắt dây rốn cho trẻ mà để rụng một cách tự nhiên.
Bà Lê Nhất Phương Hồng từng được nhắc tới với tư cách chuyên gia và nhân vật phỏng vấn về phương pháp nuôi sữa mẹ trên một số tờ báo và đài truyền hình VTV.
Trong khi nhân vật này cho rằng phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" là tốt nhất cho mẹ và trẻ, nhiều chuyên gia y tế lại khẳng định, đây là cách thực hiện hết sức nguy hiểm. Dù sinh con theo cách tự nhiên hay không cũng cần phải có sự hỗ trợ của người có chuyên môn để tránh xảy ra nguy cơ biến chứng gây nhiễm trùng, băng huyết và không nên để dây rốn tự rụng.
Bà Lê Nhất Phương Hồng có phải là chuyên gia?
Chứng chỉ Lập chương trình Nuôi dưỡng Trẻ Sơ Sinh và Trẻ nhỏ của bà Lê Nhất Phương Hồng.
Để chứng minh cho quan điểm của mình về nuôi con bằng sữa mẹ cùng phương pháp sinh con “thuận tự nhiên” dựa trên những nghiên cứu khoa học của quốc tế, trang web Betibuti.com của bà Lê Nhất Phương Hồng đăng tải rất đầy đủ các khóa học và chứng chỉ mà nhân vật này có được.
Theo đó, bà Lê Nhất Phương Hồng có chứng chỉ: Chuyên gia Tư vấn Nuôi Con Sữa mẹ (Breast-Ed Courses 2013) của Viện Sữa Mẹ Quốc tế (International Institute of Human Lactation Inc, Canada) - 7/2013. Chứng chỉ: Thực hành và Vận động Nuôi con Sữa mẹ (Breastfeeding Advocacy and Practice 2013) - của Liên minh Hành Động vì Nuôi con Sữa mẹ Thế giới (World Alliance for Breastfeeding Action - WABA). Chứng chỉ: Lập chương trình Nuôi dưỡng Trẻ Sơ Sinh và Trẻ nhỏ (Programing for Infant and Young Child Feeding 2013) - của Đại học Cornell (Mỹ) liên kết với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF…
Tuy nhiên khi tìm hiểu những chứng chỉ kể trên, người ta nhận thấy rằng hầu hết các khóa học của bà Lê Nhất Phương Hồng là các khóa học online thời gian ngắn, thiếu thực hành, kiến thức chỉ mang tính bổ trợ (không có chứng chỉ nào nói về sinh con “thuận tự nhiên”) và phần lớn được cho là không được chứng thực bởi các tổ chức nghiên cứu uy tín.
Chứng chỉ tham gia hoạt động "Introduction to Food and Health" của ĐH Stanford không liên quan gì đến sinh con "thuận tự nhiên".
Ví dụ: Chứng chỉ Chuyên gia Tư vấn Nuôi Con Sữa mẹ (Breast-Ed Courses 2013) của Viện Sữa Mẹ Quốc tế (International Institute of Human Lactation Inc, Canada - IIHL) có thể học trên trang web Health-e-learning.com, một trang web học trực tuyến có giao diện sơ sài được giới thiệu là cung cấp khóa học từ các chuyên gia đến từ IIHL.
Một khóa học toàn phần Breast-Ed Courses có giá 1.250USD. Nếu học riêng lẻ từng chủ đề như “Nuôi con bằng sữa mẹ trong tuần đầu tiên”, giá chỉ còn 135USD. Mỗi khóa học chỉ kéo dài 12 giờ online sẽ nhận được ngay chứng chỉ.
Trong khi đó, chứng chỉ Thực hành và Vận động Nuôi con Sữa mẹ (Breastfeeding Advocacy and Practice 2013) của Liên minh Hành Động vì Nuôi con Sữa mẹ Thế giới (World Alliance for Breastfeeding Action - WABA) là một khóa học mang tính bổ trợ kiến thức không chuyên sâu.
WABA là một mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức và cá nhân tin rằng việc cho trẻ bú sữa mẹ là quyền của tất cả trẻ em và bà mẹ trên thế giới. Mạng lưới này có những hoạt động thúc đẩy cho việc bảo vệ và ủng hộ quyền nuôi con bằng sữa mẹ. WABA có quan hệ mật thiết với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bà Lê Nhất Phương Hồng cũng giới thiệu bản thân có chứng chỉ dinh dưỡng chuyên sâu về Dinh dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và vị thành niên của Beck Health and Nutrition (Australia).
Trên thực tế, Beck Health and Nutrition là các khóa học online của tập đoàn Beck Group. Đây là một công ty truyền thông và giáo dục chuyên về sức khỏe, dinh dưỡng hoạt động từ năm 1999.
Một khóa học chuyên sâu về Dinh dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và vị thành niên có giá 425 USD với 30 giờ tự học trong 6 tháng, kèm giáo trình, tài liệu.
Khóa học này được Hiệp hội Y học Cổ truyền Australia (ATMS) công nhận. Nhưng trên thực tế ATMS cũng chỉ là một tổ chức cộng đồng bình thường, không phải tổ chức nghiên cứu chuyên sâu được quốc tế đánh giá cao.
Chứng chỉ khóa học online của Đại học Monash.
Ngoài ra, bà Lê Nhất Phương Hồng còn có các chứng nhận hoàn thành khóa học online khác như "Food as Medicine" của ĐH Monash (khóa học miễn phí có thời lượng 12 giờ), chứng chỉ tham gia hoạt động "Introduction to Food and Health" của ĐH Stanford (khóa học miễn phí thời lượng 2,5 giờ) và Lập chương trình Nuôi dưỡng Trẻ Sơ Sinh và Trẻ nhỏ (Programing for Infant and Young Child Feeding) - của Cornell University (USA) liên kết với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cũng là một khóa học online có thời lượng 14 giờ.
Hầu hết các chứng chỉ về dinh dưỡng, sức khỏe của bà Lê Nhất Phương Hồng đều đến từ các khóa học online và mang tính chất bổ trợ kiến thức, thay vì các khóa học chuyên sâu.
Đáng chú ý hơn, bà Hồng vốn chỉ là người có chuyên môn về công nghệ (bằng thạc sĩ công nghệ - thiết kế và quản trị hệ thống DN, đại học Swinburne, Australia), có nhiều năm làm việc tại một ngân hàng nước ngoài.
Được biết, nhân vật này đã sáng lập chuyên trang kiến thức nuôi con và nghĩ ra phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" cách đây vài năm, mà không dựa theo kiến thức chuyên môn nào được tích lũy.
Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu rằng với những chứng chỉ học tập thời lượng ngắn và thiếu thực hành (chỉ học online) như vậy, bà Lê Nhất Phương Hồng có xứng đáng được gọi là một chuyên gia về sinh con “thuận tự nhiên” hay không?
Liệu rằng các phương pháp mà người phụ nữ này đang chỉ dẫn trên group có tới 200.000 người theo dõi là đúng đắn hay sai lệch?
Bộ Y tế khuyến cáo về sinh con "thuận tự nhiên" Sáng 15/3, tại bệnh viện Từ Dũ diễn ra họp báo để khuyến cáo y khoa về trào lưu sinh con thuận tự nhiên. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, giới y học từng cảnh báo về trào lưu sinh con tự nhiên. Theo đó, phong trào liên sinh (lotus birth) là một dạng thực hành sinh con mà cha mẹ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi dây rốn và bánh nhau tự hủy. Trào lưu này được một số bà mẹ sinh con tại nhà áp dụng và xuất hiện đầu tiên tại Mỹ và Australia vào năm 1974. "Năm 2008, tại Anh, phong trào này trở lại mạnh mẽ và sau đó dấy lên làn sóng kịch liệt phản đối trong giới y học. Việc để bánh nhau nối liền với em bé nhiều ngày sau khi sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé", bác sĩ Nhi cho biết. Hiệp hội Sản khoa Hoàng gia Anh khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào về trào lưu liên sinh cũng như không có bằng chứng khoa học chứng tỏ liên sinh có thể mang lại lợi ích cho trẻ sơ sinh, hơn nữa nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ rất lớn. Bác sĩ Nhi cũng cho rằng: "Phong trào này từng xảy ra trên thế giới và từng được khuyến cáo không nên. Hiện tại, chúng tôi chính thức khẳng định trào lưu sinh con thuận tự nhiên là không nên". |
No comments:
Post a Comment