Sống trong viện dưỡng lão gần 2 năm, bà Lưu Thị Dung (quê Thái Bình) vẫn giữ được nếp sinh hoạt như trước. Cứ 4h30' sáng bà dậy tập trường sinh dưỡng lão. Đến 7h, bà đã vận động cơ thể và ăn sáng xong xuôi. Căn phòng của bà trên tầng 3 của trung tâm sạch đến mức cảm tưởng như không có hạt bụi nào.
Ở tuổi 88, bà Dung khỏe mạnh, minh mẫn và là trường hợp hiếm hoi ở đây tự chăm sóc được cho bản thân. "Chỉ hôm nào trời lạnh quá thì tôi mới nhờ các cháu giặt giúp quần áo, còn bình thường tôi tự phục vụ mình hết", bà nói.
Người xung quanh thấy ở bà một con người ngăn nắp, lạc quan, tích cực tham gia mọi hoạt động trung tâm tổ chức. Ít ai biết, bà có một hoàn cảnh đến viện dưỡng lão chẳng giống ai.
Bà Dung đã muốn ly hôn chồng từ năm 1985, nhưng gia đình động viên nên bà cố sống đến tận năm 2016, khi 86 tuổi thì quyết tâm ly hôn. Ảnh: Viện dưỡng lão Diên Hồng. |
Thời trẻ bà Dung công tác trong một cơ quan nhà nước tại thành phố Thái Bình. Tuổi đôi mươi bà kết hôn với một người đồng nghiệp (đã qua một đời vợ), tuy nhiên vợ chồng bà không có con. Tính cách người chồng cực đoan, gia trưởng, tuy không đánh đập nhưng thường xuyên mắng chửi bà, việc đó khiến bà Dung muốn ly hôn vào năm 1985. Song, thời điểm đó, gia đình can ngăn nên bà đành chấp nhận sống tiếp.
"Ông ấy sống với tôi chưa bao giờ đụng tay rửa lấy cái bát, giặt giũ hay nấu cơm. Lúc tôi bị ốm thì vẫn phải gượng dậy mà làm", bà tâm sự.
Lẽ thường, càng về nhà người ta càng mong có vợ, có chồng nương tựa vào nhau. Tuy nhiên, đến lúc này mọi cố gắng bao năm của bà Dung không thể được nữa, do sức khỏe yếu mà vẫn không nhận được sự đỡ đần hay chia sẻ. "Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt", bà kể thêm.
Vào những lúc đau ốm ấy, bà nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, rửa giúp cái bát nhưng chỉ nhận được điệp khúc bao năm: "Tôi lấy bà về để bà hầu tôi. Tôi có quyền đi chơi". Dù bà có mức lương không kém chồng là bao, nhưng luôn bị chồng "chỉ tay năm ngón". "Nghĩa vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm mà như người dưng, chỉ có mình hy sinh cho người ta, chứ chưa từng được đáp lại. Tôi lấy ông ấy mà không khác gì osin với chủ cả", bà Dung buồn kể.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi những năm gần đây người chồng thường mắng và đuổi bà đi. Tháng 9/2014, bà Dung quyết định đệ đơn ra tòa. Sau gần hai năm giải quyết các thủ tục pháp lý bà mới được giải thoát.
Ngay sau đó, bà không sống ở Thái Bình nữa mà lên Hà Nội nương tựa vào các cháu - con của anh trai. Lương hưu hơn 4 triệu đồng, bà Dung được các cháu hỗ trợ thêm để có thể thuê một căn phòng riêng với chi phí hơn 9 triệu mỗi tháng trong viện dưỡng lão này.
Tuổi 88, bà Dung có sức khỏe khá tốt và luôn cố gắng tự chăm sóc cho mình, không cần giúp đỡ của điều dưỡng. Ảnh: Viện dưỡng lão Diên Hồng. |
Anh Quang Việt, cháu trai bà Dung cho biết, trước khi mất bố anh đã dặn dò các con phải chăm lo cho cô. "Thực hiện lời di huấn của cha, chúng tôi tôn trọng mọi quyết định của cô, cố gắng cho cô được hưởng tuổi già thoải mái và được chăm sóc tốt nhất", anh Việt cho biết.
Theo nguyện vọng của bà Dung muốn được ở viện dưỡng lão, anh Việt đã dẫn bà đi tham quan 5 trung tâm trước khi chọn ở đây. Hàng tuần hay bất cứ khi nào có việc ngang qua là anh đều tranh thủ ghé thăm cô mình. Dịp lễ, Tết, các cháu cũng đón cô về chơi một vài ngày.
Với bà Dung, giờ nghĩ lại bà cũng không thể hiểu được sao mình có thể kiên trì một cuộc hôn nhân không hề có sự sẻ chia, cảm thông lâu như vậy. Nhưng rồi nỗi buồn chỉ thoáng qua, bà cố lạc quan, sống vui những ngày cuối đời ở viện dưỡng lão.
Chị Hoàng Ngân, phó giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cho biết, bà Dung vào trung tâm được gần 2 năm. Biết hoàn cảnh của bà, nên mọi người thường rất tránh thăm hỏi. Tuy nhiên, bà rất lạc quan, sống vui vẻ với các cụ trong trung tâm. |
Phan Dương
No comments:
Post a Comment