Việc dùng smartphone là thói quen gần như hàng ngày, hàng giờ của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người thậm chí còn không bỏ được hay rời điện thoại dù chỉ là 5-10 phút. Thậm chí có người ngồi 2-3 tiếng đồng hồ hay cả buổi tối chỉ để nhắn tin, xem các video clip trên mạng internet.
Là một nhân viên văn phòng, chị T. ngồi suốt 8 tiếng ở văn phòng nhưng buổi tối vẫn còn tranh thủ xem phim, nhắn tin trên điện thoại. Đang ở tuổi hẹn hò, yêu đương, chị T. gần như dán mắt vào điện thoại. Trừ khi ngủ, còn lúc thức dậy lại dán mắt vào điện thoại. Chị T. ít khi nằm để dùng điện thoại mà thường cúi gập người ở sofa hoặc ở ghế ban công. Thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt này không hề ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng thời gian gần đây chị T. bắt đầu cảm thấy đau nhức ở cột sống, bả vai đặc biệt là phần tiếp giáp giữa cổ và vai.
Cúi gập xem điện thoại gây hại đến đốt sống cổ (Ảnh minh họa). |
"Tôi nghĩ là mỏi cổ đơn giản nhưng khi đi khám, bác sĩ có nói do thói quen ngồi sai tư thế, lệch nên mới có hiện tượng này. Các triệu chứng mỏi sẽ hết rất nhanh nhưng sau này khi cột sống bị ảnh hưởng thì nhức mỏi sẽ xảy ra liên tục hơn. Bác sĩ còn yêu cầu tôi phải giảm bớt động tác cúi gập khi ngồi hoặc dùng điện thoại", chị T. cho hay.
Cũng thường xuyên cúi gập xuống khi dùng điện thoại, anh Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) đang phải chịu đựng những cơn đau ở đốt sống cổ. Các cơn đau bắt đầu xuất hiện cách đây 1 năm nhưng chỉ kéo dài 1 buổi hoặc nửa ngày rồi kết thúc nên anh Quang không mấy quan tâm. Vài ba tháng trở lại đây, hiện tượng này càng nặng hơn nên anh Quang mới đi khám.
Cúi đầu khi dùng điện thoại gây áp lực nặng?
Việc dùng điện thoại bằng cách cúi gập người để nhìn vào màn hình là thói quen mà không ít người gặp phải. Nhiều người giữ tư thế này khi dùng điện thoại lúc đang uống nước, ăn cơm hay đang ngồi thư giãn. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đức Tuấn (chuyên khoa Xương Khớp) cho hay, hầu hết mọi người đều nghĩ đơn giản việc cúi gập người không ảnh hưởng gì đến cột sống, nhưng không phải như vậy.
"Theo một số nghiên cứu cho thấy, nếu như khi đứng thẳng thì cột sống chịu áp lực khoảng 100kg nhưng nếu cúi xuống có thể chịu áp lực hơn 200kg. Điều đó cho thấy, khi cúi xuống kể cả cúi xuống nhặt vật dụng gì đó hoặc cúi xuống khi nhắn tin, dùng điện thoại cũng gây áp lực nặng lên cột sống", bác sĩ cho hay.
Cúi đầu khi dùng điện thoại gây áp lực nặng (Ảnh minh họa). |
Theo bác sĩ Tuấn, nhiều người không hề biết đến điều này nên vẫn giữ tư thế cúi thấp người đặc biệt là khi dùng điện thoại từ ngày này qua ngày khác. Các triệu chứng ảnh hưởng đến cột sống biểu hiện ban đầu là mỏi ở gáy, đốt sống cổ, bả vai. Về sau các triệu chứng sẽ nặng hơn như đau đớn, cơn đau ê ẩm và dai dẳng, nặng nhất là thoái hóa đốt sống cổ.
Điều dễ nhận thấy là khi cúi xuống dù chỉ là hơi cúi để nhìn xuống hay nhắn tin cũng là bạn đang ép buộc cột sống phải cong về phía trước một chút. Trong khi cột sống thẳng đứng bị bẻ cong như vậy về lâu dài sẽ thay đổi cách đi đứng và bạn có thể bị gù lưng mất đi thẩm mỹ bên ngoài.
Để phòng tránh sự ảnh hưởng đến cột sống hay các hiện tượng thoái hóa, phải giữ tư thế đi, ngồi thẳng cột sống. "Nếu như dùng điện thoại thì nên ngồi ở bàn ghế ngay ngắn, không ngồi tựa lưng vào giường hay tường và cúi dùng điện thoại. Khi cảm thấy nhức mỏi, khó chịu phải dừng sử dụng điện thoại ngay hoặc đổi tư thế để tránh hậu quả về sau", bác sĩ cho biết.
Vấn đề là chính điện thoại khiến bạn "đắm đuối" nên sẽ bị cuốn hút quá mức. Thậm chí có thể dành nhiều tiếng đồng hồ nên quên cả việc vận động. Do đó sẽ đặt ra các nguy cơ xương, khớp ở vùng cổ, lưng, vai, hông, cột sống khác. Vì vậy nên sắp xếp thời gian dùng điện thoại hợp lý, không dùng quá nhiều tiếng đồng hồ trong ngày. Ngoài ra, dành thời gian vận động, đi lại đặc biệt đứng thẳng để cột sống có thể duỗi thẳng, phục hồi.
Theo Phụ Nữ
No comments:
Post a Comment