Sau đợt uống “thuốc” nam trị bệnh, một bệnh nhân nữ 53 tuổi (ở Hưng Yên) phải nhập viện trong trình trạng bề mặt da toàn thân phỏng rộp, bong tróc.
Bệnh nhân bị dị ứng thuốc. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống |
Bệnh nhân này được điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai (Hà Nội). Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân này bị đau nhức xương, có người quen mách nên đi mua thuốc nam của ông lang gần nhà.
Uống mấy thang đầu thì bình thường nhưng uống đến thang thứ 5 - 6 thì nổi ngứa. Cũng theo người nhà bệnh nhân, thuốc nam mà bệnh nhân uống là các loại cây, lá sắc lấy nước uống. Lúc đầu, bệnh nhân nổi ban đỏ, sau đó bề mặt da phỏng rộp từng mảng lớn phải nhập viện.
Cũng tình cảnh tương tự, một bệnh nhân nữ 23 tuổi, với gương mặt sưng húp, tấy đỏ đang điều trị tại Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch cho biết, do bị ốm nên chị đã đi mua thuốc lá về sắc uống. Sau khi uống được 2-3 thang thì nổi mụn, ngứa.
Tuy vậy, khi bệnh nhân nói về tình trạng này thì bà lang bảo là phải "phát" ra như vậy mới tốt nên chị vẫn tếp tục uống. Đến 2 - 3 hôm sau thấy trên người nổi ban từng mảng lớn, tróc da ở tay, lưng, sốt, mặt sưng tấy, người nhà mới đưa chị này đến BV Bạch Mai.
Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Trung tâm Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đã tiếp nhận những bệnh nhân dị ứng rất nặng bị hội chứng Stevens - Johnson và Lyell (tình trạng hoại tử, tổn thương da nghiêm trọng, xuất hiện các mảng ban đỏ toàn thân, các bọng nước to làm bong, hoại tử da từng mảng lớn như bị bỏng. Tổn thương còn có ở niêm mạc gây loét miệng, viêm kết mạc, viêm loét các hốc tự nhiên…).
Từng chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, người thường xuyên tiếp xúc với các ca cấp cứu do dị ứng cho biết, bệnh nhân bị dị ứng thuốc tây các bác sĩ sẽ biết rõ thành phần thuốc, còn những người tự điều trị kiểu lang băm thì rất khó lường. Các thành phần thuốc không rõ ràng. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, bảo quản thuốc nếu không cẩn thận có thể bị mốc, nhiễm nấm, vi khuẩn gây bệnh.
Thậm chí, bác sĩ Trường chia sẻ, từng có bệnh nhân bỏ ra gần 6.000 USD để mua một lạng bột sừng tê giác với hy vọng giúp chữa khỏi hẳn bệnh nhiệt miệng gây khó chịu lâu nay.
Tuy nhiên, sau khi uống được 2 ngày, thay vì hết nhiệt miệng, bệnh nhân bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ, ngứa và đau rát ở mặt, sau đó lan ra hai cánh tay, sốt nhẹ. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm độc da do dị ứng.
H.Mai
No comments:
Post a Comment