Friday, January 6, 2017

Cả một miền ký ức tuổi thơ thu bé lại bằng cái bỏng gạo, bỏng ngô này

Món ăn vặt bình dân lâu đời này đã đi cùng với bao thế hệ người Việt.

Ngày hôm qua, một clip ghi lại quá trình nổ bỏng gạo trên đường phố Việt Nam do một blog về ẩm thực nổi tiếng của Mỹ thực hiện đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên thế giới. Ngay lập tức từ khoá 'bỏng gạo, bỏng ngô' cũng trở thành hottrend trong giới trẻ Việt. Đó không chỉ bởi một món ăn dân dã của Việt Nam lại có thể thu hút những người nước ngoài đến vậy mà còn bởi nó chính là miền ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người Việt Nam.

Món ăn của tuổi thơ bỗng nhiên nổi tiếng khắp thế giới. (Ảnh: Duy Phạm).

Rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ những kỷ niệm ấu thơ của mình để ôn lại, để nhắc nhau, để nhớ về một thời khó khăn mà đầy ắp tiếng cười cùng những khoảnh khắc đẹp.

Đó là cái hồi nhà ai cũng nghèo, món ăn vặt của lũ trẻ con chỉ là mấy cây kem que phải đổi lấy từ những chiếc dép rách hay kẹo bột... Sự có mặt của bỏng gạo dường như là bầu trời lạ lẫm và thú vị của lũ trẻ con. Chỉ cần 100 hoặc 200 đồng cùng 1, 2 bò gạo là đã có một mẻ bỏng ăn bét nhè. Nhờ hình dáng lạ: bỏng ống, bỏng kén,... cùng việc có thể mix nhiều loại lương thực của nhà trồng được như: gạo, ngô, đỗ xanh, đỗ tương, lạc, vừng,... bỏng gạo trở thành món ăn hấp dẫn với trẻ con.

'Cái hồi mà trẻ con cả xóm rủ nhau đi nổ bỏng, trưa nắng chang chang cả lũ đạp xe đi mấy cây số mới có nhà nổ ngon, đùm 2 cân gạo với ít đường, sang thì có thêm ít lạc, đỗ xanh, hoặc ngô... Ngon lắm, thích lắm. Ở quê, nhà nghèo không có tiền mua quà bánh, thỉnh thoảng mới dám xin vài nghìn đi nổ ống thổi ăn thôi. Cũng gần chục năm rồi!' - bạn Minh Huệ tâm sự.

Còn bạn Tuấn Du thì dí dỏm: 'Cái này hồi, đứa nào hảo ngọt cho thật nhiều đường vào là kiểu gì xay ra cũng bị cứng và chết máy, làm cả đám phải ngồi chờ ông nổ bỏng tháo máy ra ngồi cọ rửa làm lại.'

'Ngày xưa thiếu thốn, ăn chi cũng ngon, bỏng tự mang đi nổ, kem que lấy dép để đổi, kẹo gôm nhìu màu, kẹo ô mai viên xíu xiu... Bây giờ đầy đủ, thừa mứa nhưng không còn hương vị và cảm giác như trước, hơn nữa đồ ăn thì độc hại, hóa chất tràn lan.' - bạn Thy Thy nhớ lại.

Cảm giác chờ đợi chiếc bỏng ra lò và nếm thử hương vị đích thị là điều mà lũ trẻ háo hức.(Ảnh: Duy Phạm).

Câu chuyện ôn lại kỷ niệm tuổi thơ như không có điểm dừng, mỗi người đều có những kỷ niệm riêng. Điều kỳ diệu mang tên bỏng gạo, bỏng ngô còn là những pha nghịch ngợm, những lần trốn bố mẹ đi nổ trộm.

Bạn Bình An chia sẻ: 'Ngày đó vui lắm nha. Lâu lâu mẹ mới cho đi nổ gạo vui hào hứng lắm, ngồi chờ thiệt lâu mới tới lượt mình. Có khi trời lạnh cả nhóm chăn trâu bàn kết hoạch về nhà chôm chỉa mỗi đứa 1 nắm gạo nói là lấy gạo cho gà ăn rồi hù lại đi nổ. Tiền nổ thì chia ra ăn bớt tiền giữ xe đi học. Xong tụm lại giữa đồng đi kiếm củi đốt lửa lên cho ấm ngồi ăn ngon gì đâu.'

Còn với Lê Trinh thì việc sau một hồi chờ đợi đến lượt mình thì máy gặp trục trặc: 'Hồi nhỏ đi nổ bỏng đã khóc vì đến lượt mình thì cái máy nó hết dầu, đành phải đi về nhà. Cả đoạn đường cứ rưng rưng nước mắt vì gạo đã trộn chung với bắp và đường rồi.'

'Hồi xưa mỗi lần nghe tiếng 'Thổi bánh đê' là hí ha hí hửng chạy nhanh tìm bọc xúc gạo, lấy mì, đậu xanh. Sau đó hỏi xin ông có cái bọc nào to thật to để đựng bánh, nhưng xui là không có. Thôi chạy vô vơ đại cái bao sạch sạch xong rồi vội xin tiền mẹ cho con đi thổi bánh. Mỗi lần có xe thổi bánh đến là cái xóm nháo nhào như cái chợ. Vui lắm. Mấy đứa trẻ con đồng trang lứa với tôi cũng phấn khích như tôi lúc ấy.

Tôi vẫn nhớ như in cái mùi bánh thơm phức lúc mới được thổi ra. Vừa thơm vừa nóng. Cứ mỗi lần bánh ra tới lượt ai là thi nhau mà hốt. Tiếng cười nói rom rả của người dân ở xóm. Tiếng lạch cạch của máy thổi bánh. Tiếng la 'Ây da... nóng quá nóng quá!' của những đứa vội vã hốt bánh như tôi...Tất cả, vẫn còn nguyên ở đây - trong kí ức tuổi thơ giản dị một thời.' - bạn Try Try tâm sự.

Chỉ cần một góc nhỏ trên phố, cùng với một chiếc máy nổ bỏng là có thể cho ra lò rất nhiều những chiếc gậy khiến nhiều người thích thú.

Quy trình tạo nên những túi bỏng đơn giản không phức tạp. Bỏng được nổ ra từ những nguyên liệu như gạo, ngô, đỗ,... và đường.

Loại bỏng trắng có giá bán 10 nghìn một túi có nguyên liệu chính từ gạo trắng. Với loại bỏng được nổ từ nguyên liệu chính là gạo lứt có giá là 15 nghìn một túi. (Ảnh: Duy Phạm).

Nổ bỏng gạo, bỏng ngô có lẽ phải xuất hiện từ 30 năm về trước, không ai biết chính xác nó ra đời như thế nào, nhưng với những bạn trẻ có gia đình làm nghề này thì cũng có đầy ắp những kỷ niệm để kể.

Bạn Duyên Nguyễn chia sẻ: 'Ôi, nhớ lắm. Hồi xưa và cả bây giờ nhà mình vẫn còn làm cái này. Mình có nhiệm vụ cân, pha đường, thu tiền... hi. Không có người phụ bố cắt, nên thỉnh thoảng vẫn phụ bố, mà nóng lắm ấy vẫn còn sẹo mờ mờ ở tay, ở chân.'

Còn với bạn Phương Dung thì tuổi thơ của bạn in đậm dấu ấn về món ăn này. 'Bỏng gạo này dễ cũng phải 30 năm, mình giờ đã gần 30 rồi mà cái hồi mình bé xíu xiu thì nhà mình là nhà đầu tiên của xã có máy bổ bỏng. Bố cũng học được từ một người bạn ở tỉnh khác mang về quê mình làm. Những ngày đầu phải nói là đông không thể tả, nhà mình tất bật từ sáng đến chiều muộn, bố và cậu còn phải thay ca nhau ăn cơm để kịp nổ cho mọi người. Những rá gạo, ngô cứ xếp trồng chờ đến lượt.

Tụi nhỏ bọn mình chỉ làm được mấy việc vặt như pha đường cho khách, mang đồ đựng cho mọi người. Thích nhất là khi có khách nào có nguyên liệu ngon, bỏng ngon bố lại xin lại một đoạn cho tụi nhỏ bọn mình. Cuối ngày tha hồ được thưởng thức. Nhớ lại kỷ niệm mà nhớ gia đình quá.'

Công đoạn lấy và cắt bỏng rất dễ bị bỏng hơi vì nó rất nóng. Người làm phải dùng găng tay vải dày để tránh bị bỏng.

Đây cũng là nghề vất vả, tuy nhiên nhiều người lao động vẫn chọn làm thêm khi chưa đến mùa vụ để có thêm thu nhập

Ở Hà Nội gần đây, nhiều người đã mang máy nổ bỏng ra các vỉa hè ở một số tuyến phố để nổ và bán tại chỗ. Bạn có thể bắt gặp nhiều ở các con phố như: Trung Văn, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Kim Ngưu, Kim Giang v.v… (Ảnh: Duy Phạm).

Câu chuyện tuổi thơ sẽ còn nối dài với nhiều thế hệ và bỏng gạo chắc chắn vẫn sẽ là món ăn vặt dân dã của người Việt Nam nhiều năm về sau nữa.

Let's block ads! (Why?)

No comments:

Post a Comment