Ban tổ chức giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học cho biết, hội đồng chuyên ngành với 200 nhà khoa học đã làm việc nghiêm túc, tâm huyết, khách quan để chọn ra 16 trong tổng số 61 công trình được đề nghị xét tặng giải thưởng.
Các công trình được đánh giá trên tiêu chí giá trị khoa học, hiệu quả kinh tế xã hội và ảnh hưởng rộng lớn lâu dài.
Giải thưởng cao quý về khoa học được trao lần gần nhất vào năm 2012 cho 32 công trình. Ảnh minh họa: HH. |
Nhiều tác giả có tuổi đời con rất trẻ, trung bình dưới 40 tuổi như kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả với "Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với Việt Nam". Giàn khoan tự nâng 90 m nước Tam Đảo là công trình đầu tiên và là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn.
Cụm công trình xuất sắc khác là "Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị" của giáo sư Nguyễn Anh Trí và 4 cộng sự. Nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ hiện đại về cả chuyên môn kỹ thuật, cải tiến cho phù hợp với Việt Nam. Công trình đã làm nên một cuộc cách mạng lớn, đổi mới trong lĩnh vực truyền máu.
Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ được ví như giải Nobel của Việt Nam. Giải thưởng góp phần tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho giới khoa học, đặc biệt là người trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh sự tôn vinh nhà khoa học, hai giải thưởng còn đề cao giá trị tinh thần trong đời sống xã hội - trụ cột của sự phát triển bền vững.
Qua 4 lần xét tuyển, đến nay, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đã trao tặng cho 16 công trình, cụm công trình khoa học, công nghệ. Giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần.
No comments:
Post a Comment