CITE là thành phố duy nhất ở Mỹ được xây dựng hoàn toàn để phục vụ nghiên cứu khoa học. Ảnh: CITE. |
Với sức chứa 35.000 người, thành phố này sẽ bao gồm khu vực trung tâm thương mại hiện đại và những dãy nhà liền kề ở vùng ngoại ô, bên cạnh đường phố, công viên, siêu thị và nhà thờ. Tuy nhiên, đây là một "thành phố ma" bởi nó không có bóng người sinh sống.
CNN hôm 6/10 đưa tin, dự án CITE (Trung tâm Sáng kiến, Thử nghiệm và Đánh giá) là mô hình đầy đủ của một thành phố Mỹ thông thường. Tuy nhiên, nó được sử dụng để phát triển những công nghệ mới có thể định hình tương lai của các đô thị.
Với mức đầu tư một tỷ USD, dự án do công ty viễn thông và công nghệ Pegasus Global Holdings đứng đầu, cho phép thực hiện những thí nghiệm tham vọng ở các lĩnh vực giao thông, xây dựng, liên lạc và an ninh trên diện tích 13 km2.
Khu nhà ở lối vào CITE để các nhóm nghiên cứu cư trú và giới thiệu dự án khoa học trước công chúng. Ảnh: CITE. |
CITE sẽ bao gồm những khu vực chuyên biệt dành cho phát triển các mô hình nông nghiệp, năng lượng và xử lý nước mới. Mạng lưới thu thập dữ liệu ngầm sẽ cung cấp phản hồi chi tiết dựa theo thời gian thực.
"Mục đích của chúng tôi là tạo ra một môi trường nơi những sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới có thể được trưng bày và thử nghiệm mà không ảnh hưởng tới đời sống thường ngày", CNN dẫn lời Robert Brumley, giám đốc điều hành Pegasus.
Nhờ không cần lo ngại về con người, khả năng thử nghiệm ở CITE là vô tận. Những chiếc xe không người lái có thể được sử dụng trên đường phố và giám sát từ trên cao bằng máy bay kiểm soát giao thông. Những ngôi nhà có thể được thiết kế để sống sót trong thảm họa tự nhiên và lắp trang bị tự động. Những nguồn năng lượng thay thế như nguyên liệu hạt nhân Thorium có thể được thử nghiệm ở quy mô lớn.
"Bạn có thể đưa những sáng kiến mới đến để thử nghiệm, phá vỡ và tìm hiểu kết quả. Thành phố này sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút những người có ý tưởng tới để tương tác", Brumley nói.
Brumley mô tả CITE như một bước trung gian giữa kiểm tra công nghệ trong phòng thí nghiệm và giới thiệu nó đến công chúng. Ông tin quá trình sẽ mang đến nhiều sản phẩm sẵn sàng ra mắt trên thị trường hơn.
"Nước Mỹ dành hàng tỷ USD cho nghiên cứu và thu lợi nhuận 2-3% từ những sản phẩm thương mại. Cơ sở này có thể mở rộng và làm tăng lợi nhuận", Brumley cho biết.
Phương Hoa
No comments:
Post a Comment