“Bắt tay” moi tiền của bệnh nhân
Chưa đến 4h sáng, bệnh nhân đã chen chúc xếp hàng mua sổ, lấy số thứ tự ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM (quận Bình Thạnh). Nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa phải đi xe lên bệnh viện từ nửa đêm nên sau khi bốc số thứ tự thì tìm ghế đá, vỉa hè nằm ngủ chờ đến giờ khám bệnh.
Trong vai người bệnh, PV cũng vật vờ từ sớm, mong rơi vào tầm ngắm của “cò” bệnh viện. 8h, số bệnh nhân ngồi chờ khám ngày một dài thêm. Nhiều người ngồi bệt trước cổng, hành lang, đường nội bộ... của bệnh viện.
“Cò” tụ tập rất đông trước cổng bệnh viện Ung bướu TP.HCM (ảnh Hà Nguyễn).viết miêu tả ảnh vào đây |
Các bảo vệ bệnh viện luôn để mắt xem “cò” có giả dạng người bệnh lẻn vào trong bệnh viện lừa bệnh nhân ra ngoài khám chữa bệnh hay không. Một bảo vệ bệnh viện Ung bướu cho biết: “Cò” ở bệnh viện này táo tợn lắm. Lần trước, hai anh bảo vệ ở đây bị một nhóm “cò” chém vì dám không cho họ vào trong bệnh viện. Khi công an vào cuộc thì hoạt động của họ ở bên trong viện có phần giảm bớt, nhưng ở ngoài cổng thì vẫn nhan nhản”.
Khi PV rảo bước về phía cổng bệnh viện thì một người chạy xe ôm gọi lại. “Đi khám bệnh hả? Đợi hoài chưa tới số phải không? Đợi trong đó làm gì cho mệt, qua mấy phòng khám tư cho nhanh. Bên đó, bác sỹ của viện Ung bướu mở ra khám chứ đâu”, người đàn ông hành nghề xe ôm vừa nói vừa chỉ tay sang dãy phòng khám đối diện bệnh viện trên đường Nơ Trang Long.
PV thắc mắc: “Bên đó có bác sỹ của Ung bướu thật hả chú? Chi phí có cao không?”, người này gật đầu khẳng định: “Bác sỹ Ung bướu khám chứ ai. Giá khám bệnh, siêu âm bằng bệnh viện. Qua bên đó đi, chờ bên bệnh viện chắc tới chiều chưa tới lượt. Vả lại, bác sỹ trong bệnh viện khám ẩu lắm”. Nói xong, người đàn ông này giơ tay vẫy một người phụ nữ ngồi trước cửa nhà thuốc T., đối diện bệnh viện rồi chỉ tay về hướng PV.
Người phụ nữ này đon đả mời PV vào khám bệnh. PV thắc mắc: “Ủa đây là nhà thuốc mà chị?”. Chị ta nói: “Vô đi, ở bên trong có bác sỹ đó em. Em vô siêu âm, thử máu đi. Khoảng 12h, bác sỹ bên bệnh viện nghỉ trưa sẽ tranh thủ chạy qua khám”. “Nhưng bác sỹ chưa chỉ định siêu âm hay thử máu thì xét nghiệm làm gì hả chị?”, PV thắc mắc. Chị phụ nữ khẳng định, ai khám ung bướu đều phải siêu âm, thử máu trước để đỡ mất thời gian, vì bác sỹ chỉ tranh thủ được một tiếng đồng hồ nghỉ giải lao để khám bệnh.
Phòng khám tư nhân nằm trong bãi giữ xe gần bệnh viện Ung bướu (ảnh Hà Nguyễn). |
Vừa dẫn PV đi dọc theo một bãi giữ xe trong nhà, người phụ nữ vừa giới thiệu về “phòng khám” nằm trong bãi giữ xe. “Phòng khám” gồm hai phòng, một để tiếp nhận bệnh nhân siêu âm, xét nghiệm máu và một để bác sỹ khám bệnh. Lúc PV đến, phòng của bác sỹ cửa đóng, then cài. Ở phòng tiếp nhận bệnh nhân, PV thấy có hai người phụ nữ mặc áo blouse trắng dáng vẻ rất mệt mỏi, một người còn nằm ườn trên bàn làm việc?!
Bác sỹ “tăng ca” bệnh nhân “lỗ”
Thấy có người đến đăng ký khám bệnh, hai y tá ở phòng tiếp nhận bệnh nhân vội vàng lấy sổ sách ra ghi chép. Lúc đó, có một người phụ nữ khác đưa một người bệnh khoảng 40 tuổi bước vào. Người này được chỉ định siêu âm và xét nghiệm máu rồi lấy ghế ngồi chờ bác sỹ. Khi nghe PV nói chờ bác sỹ chỉ định thì mới siêu âm, xét nghiệm, hai “y tá” nọ liền thay đổi thái độ. Một người vừa ghi chép vừa cằn nhằn: “Bác sỹ rất bận nên siêu âm, xét nghiệm trước sẽ tiện cho bệnh nhân. Chúng tôi cũng đâu muốn mấy chị đợi lâu, mệt mỏi”.
Người phụ nữ hướng dẫn PV đến phòng khám tư nhân (ảnh Hà Nguyễn). |
Thấy PV không thay đổi ý định, họ hỏi PV khám gì rồi hướng dẫn sang bệnh viện Đại học Y dược?! Khi PV vừa bước ra ngoài, người phụ nữ giới thiệu cho PV chạy lại hỏi “khám xong chưa?”.
Nghe PV kể, người này lại hướng dẫn sang một phòng khám khác, cách đó không xa. Lần này, PV bảo sẽ tự đi và tìm cách thoát “mê cung” “cò” đang bủa vây. Ngày hôm sau, PV đã mất nhiều giờ đồng hồ ngồi trên vỉa hè đường Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh) để quan sát hoạt động của các phòng khám tư nhân.
Điểm chung của các phòng khám này là đều treo biển nhà thuốc, nhưng lại kèm với dịch vụ siêu âm, xét nghiệm máu với tên tuổi của các bác sỹ của bệnh viện Ung bướu.
Khoảng 14h30, tại nhà thuốc T.T. trên đường Nguyễn Huy Lượng, một người phụ nữ dẫn một người phụ nữ đang ôm bụng đau đớn đến siêu âm. Khi người bệnh vào siêu âm, người phụ nữ trên lấy sổ tại quầy của nhà thuốc ghi chép. Những người hành nghề xe ôm tại đây cho biết: “Người phụ nữ đó là “cò” dẫn bệnh nhân từ bệnh viện sang làm xét nghiệm. Người đó đang đánh dấu số lần dẫn khách sang phòng khám để lấy tiền “hoa hồng”.
Người bệnh mệt mỏi chờ đợi bác sỹ đến khám (ảnh Hà Nguyễn). |
Dù trong giờ hành chính nhưng các phòng khám tư nhân vẫn thản nhiên treo bảng có bác sỹ C., bác sỹ T., bác sỹ P.... của bệnh viện Ung bướu trực tiếp siêu âm, xét nghiệm. Nhiều bệnh nhân đã siêu âm, xét nghiệm tại các phòng khám tư nhân này cho biết, bác sỹ ở đây làm việc rất qua loa, môi trường khám bệnh không đảm bảo, chi phí phải trả cao hơn bệnh viện.
Ông Võ Duy Thức, Phó Trưởng phòng Hành chính Quản trị, bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết: ““Cò” bệnh viện xuất hiện xung quanh bệnh viện này có từ lâu rồi, gây ra nhiều bức xúc.
Việc xử lý, can thiệp vào hoạt động của các đối tượng này nằm ngoài khả năng của bệnh viện vì họ chỉ lôi kéo, dụ dỗ bệnh nhân phía ngoài cổng bệnh viện. Bệnh viện chỉ có thể can thiệp khi các đối tượng này vào bên trong khuôn viên bệnh viện lôi kéo bệnh nhân. Tuy nhiên, phía bên công an phường, quận thì nắm rất rõ các đối tượng này. Thậm chí, cơ quan công an còn cung cấp hình ảnh, thông tin về những đối tượng này cho bệnh viện”.
Theo ông Thức, các đối tượng “cò” rất hung hăng, manh động, thậm chí sẵn sàng chửi bới, hăm dọa nhân viên của bệnh viện. Họ hoạt động rất sớm, đông nhất từ khoảng 3h sáng đến 8-9h sáng.
Về việc một số phòng khám xung quanh bệnh viện có đề bảng bác sỹ bệnh viện Ung bướu, ông Thức khẳng định, không có chuyện bác sỹ trong bệnh viện ra ngoài phòng khám tư nhân thăm khám bệnh nhân trong giờ làm việc. Ban Giám đốc sẽ kỷ luật nặng nếu ai làm như vậy.
“Đa số các phòng khám xung quanh bệnh viện chỉ hoạt động theo hình thức “treo đầu dê bán thịt chó”, lợi dụng hình ảnh, uy tín của bệnh viện. Việc các bác sỹ của bệnh viện sử dụng giờ nghỉ, giờ giải lao để làm việc, bệnh viện không cấm. Tuy nhiên, với cường độ làm việc như trên, các bác sỹ sẽ không đủ tinh thần, sức khỏe để cống hiến cho công việc chính tại bệnh viện”, ông Thức nói.
Sở Y tế TP.HCM thu nhận ý kiến, tổng hợp thông tin để trả lời Chiều ngày 20/11, PV báo Đời sống và pháp luật đã liên hệ với sở Y tế TP.HCM về việc quản lý các phòng khám tư nhân, nơi đang diễn ra tình trạng bác sỹ thuộc các bệnh viện lớn kết hợp với “cò” bệnh viện để thu lợi. Tại đây, Sở đã thu nhận ý kiến phản hồi và tiến hành tổng hợp thông tin từ nhiều phòng ban để có câu trả lời cụ thể. Trước đó, sở Y tế TP.HCM cũng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm đối với những phòng khám tư nhân. Sở cũng đã kiến nghị rút giấy phép đối với những trường hợp tái phạm như xin ngoài giờ nhưng làm luôn trong giờ, cho người khác vào làm không đăng ký, có giấy phép nhưng hoạt động không đúng tại các phòng khám tư nhân. |
Hà Nguyễn – Ngọc Lài
No comments:
Post a Comment