Nhờ tiết kiệm những khoản tiền được cho, Chi, 12 tuổi, đã có một chỉ vàng, một sổ tiết kiệm 2 triệu và 3 triệu đồng chờ hùn vốn đầu tư với mẹ.
Có hai con gái, Anh Chi 12 tuổi, Vân Hà 5 tuổi, chị Phạm Thị Hoài An, kế toán trưởng một công ty lớn tại Hà Nội, đã dạy các con cách chi tiêu, tiết kiệm từ nhỏ và đã thu được những thành quả bước đầu. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Dạy con về tài chính nghe to lớn nhưng thực ra đó là những trao đổi giữa hai mẹ con, có thể nhân một sự việc vừa xảy ra hay quan sát thấy. Việc trao đổi có thể diễn ra trên xe máy mẹ đang đưa đón con đi học, trong bữa cơm tối, lúc xem thời sự, lúc mẹ đọc được một bài báo hay và chia sẻ cho con.
Dạy con kiếm tiền và biết tiết kiệm
Từ khi các con 3 tuổi, tôi đã nói để con hiểu rằng tiền để mua thức ăn hàng ngày, mua đồ dùng, quần áo phải do bố mẹ đi làm vất vả mới kiếm được. Tiền công bố mẹ đi làm hàng tháng gọi là lương, được tính thành con số, chuyển vào tài khoản, khi cần tiêu bố mẹ đi rút bằng thẻ ngân hàng. Nếu bố mẹ không chăm chỉ đi làm thì sẽ không có lương, không có tiền để rút ra chi tiêu. Vậy nên hai bé nhà tôi đều rất ngoan khi đi lớp mẫu giáo "để bố mẹ đi làm, không thì không có tiền mua thịt cá".
Khi con hơn 6 tuổi, trên đường đi, mỗi lần nhìn thấy một người làm nghề gì đó, tôi đều nói chuyện với con về những công việc họ làm, về đóng góp và số tiền họ thu được từ lao động. Đến khi con gần 10 tuổi, mẹ lại nói chuyện về mức thu nhập trung bình giữa các vùng, giữa các nước.
Sau mỗi dịp Tết, khi con tích lũy được số tiền mừng tuổi lớn, hai mẹ con lại ngồi bàn tính xem sẽ làm gì với số tiền này. Năm con 7 tuổi, mẹ chuẩn bị sinh em bé, con đưa hết tiền mừng tuổi dành dụm được cho mẹ và nói: "Mẹ ơi, mẹ hãy cầm tiền này để mua đồ cho em bé". Vậy là phần lớn đồ dùng lúc sơ sinh của em Vân Hà được mua từ tấm lòng của chị Anh Chi.
Từ năm sau, mẹ bắt đầu nói chuyện dần với con về các khái niệm chứng khoán, bất động sản, tiền gửi tiết kiệm, lãi suất và thu nhập của các loại hình này. Đến bây giờ, Chi đã có một chỉ vàng, một sổ tiết kiệm 2 triệu đồng mở bằng tên con, 3 triệu đồng chờ cơ hội hùn vốn đầu tư với mẹ. Buổi tối hôm đi mua vàng, mẹ cũng giúp con so sánh giá, tìm cửa hàng uy tín rồi chở đến mua hẳn một chỉ, làm các cô chú tìm mãi mới được loại vàng SJC bé nhất ấy. Đi mở sổ tiết kiệm thì còn hoành tráng hơn, con tự cầm theo giấy khai sinh đến quầy giao dịch.
Tôi luôn dạy con: những gì sai, xấu, vi phạm pháp luật con không được phép làm. Đừng nhận những khoản tiền pháp luật không cho phép. Có một câu chuyện kể rằng một kẻ ăn cắp trước lúc lên đài treo cổ đã khóc nói với người mẹ đang đứng phía dưới: "Mẹ ơi, ngày xưa khi lần đầu tiên con mang số tiền ăn cắp được đem về khoe đưa mẹ, phải chi mẹ đánh con hay mắng con thì đâu có kết cục ngày hôm nay".
Nhằm để con trải nghiệm thực sự về giá trị của lao động và giá trị đồng tiền, 3 mùa hè vừa qua, tôi đều cho con đi làm thêm những việc đơn giản. Vào đầu mùa hè năm lớp 3, tôi để con đi bán nước đóng chai và lon ướp lạnh tại bờ hồ Hoàn Kiếm cho khách du lịch nước ngoài. Hè năm ngoái, tôi xin cho con vào phụ việc trong một cửa hàng thuốc bắc quen. Hè năm nay, Chi vào phụ việc trong một quán trà sữa. Qua những việc này con đã tự rút ra kết luận kiếm được đồng tiền thực sự rất vất vả.
Vợ chồng chị Phạm Thị Hoài An và hai con gái Anh Chi, Vân Hà. Ảnh: NVCC. |
Dạy con tiêu tiền
Từ khi con khoảng 3 tuổi, tôi hay cho các bé theo mỗi lần đi mua hàng, và với các món đồ của con, con được phép tự lựa chọn. Tôi dạy con các tiêu chí lựa chọn như chỉ mua món đồ mình cần, cân nhắc giá cả và chất lượng.
Khi con từ 7 tuổi, tôi bắt đầu nhờ bé đi mua một số món đồ nhỏ ở các cửa hàng gần nhà. Con tự tính toán, đưa tiền và nhận tiền trả lại rồi mang đồ về cho mẹ. Con nhớ giá một số mặt hàng thông dụng, biết chọn cửa hàng bán rẻ, và đi mua một mình, chưa nhầm lẫn về tiền nong bao giờ.
Từ khi con 10 tuổi, mùa hè tôi cho con tập tính món ăn, cân đối để đi chợ mua đồ trong một khoản tiền mẹ đưa sẵn, sao cho vừa đủ dinh dưỡng cho cả nhà. Nếu có các buổi sinh nhật, liên hoan bạn bè, tôi sẽ để con tự tính toán, tự mua sắm, mẹ chỉ kiểm tra lại.
Dạy con kiểm soát cán cân tài chính
Các bạn từng đi học xa nhà chắc biết có thể lâm vào cảnh cuối tháng phải ăn mỳ tôm do đầu tháng đã chi tiêu quá mức. Để tránh cho con không phạm sai lầm đó, tôi dạy con phải chi tiêu có kế hoạch và biết chia thu nhập theo nguyên tắc: dành khoảng 70% thu nhập cho chi tiêu và 30% thu nhập để dự phòng, đầu tư.
Dạy con các giá trị không thể mua được bằng tiền
Bên cạnh việc để con nhận thức được giá trị của đồng tiền, tôi cũng dạy con rằng có những giá trị cao quý hơn, con không thể dùng tiền để so sánh hay đem ra đánh đổi. Đó là tình cảm gia đình, tình thân họ hàng và tình cảm bạn bè. Tiền cũng không thể mua được tính mạng nên trong những trường hợp nguy cấp con phải bảo vệ tính mạng trước tiên. Tôi cũng dạy con phải biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ. Qua việc đưa con đến một số địa chỉ từ thiện, con tận mắt thấy muôn mặt cuộc sống và tự rút ra những bài học cho riêng mình.
Kết quả của giáo dục tài chính sớm cho con
Không biết có phải do mẹ đã giáo dục sớm về giá trị đồng tiền không mà con khá tiết kiệm, mua gì cũng tính toán giá trị sử dụng, độ bền, không bị lôi cuốn bởi vẻ bề ngoài. Đi mua bán hay ăn hàng bao giờ con cũng nhanh tay cầm hóa đơn kiểm tra lại, con tính nhẩm khá nhanh, nếu có nhầm lẫn là yêu cầu tính lại ngay.
Phạm Thị Hoài An
No comments:
Post a Comment