Ngay từ sáng sớm cuối tuần, tại các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội vẫn đang trong tình trạng quá tải. Hàng trăm phụ huynh dẫn con em mình đi tiêm phòng vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” thật sự trở thành “cơn ác mộng” khi họ liên tục nhận được câu trả lời: Hết vắc-xin.
Có mặt tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội trên đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình). Từ 7h sáng, đã có rất đông các phụ huynh dẫn con đi tiêm chủng. Tuy nhiên, đến 8h30 cùng ngày thì Trung tâm này đã phải tạm ngừng phát vé theo số thứ tự. Nhiều phụ huynh đến chậm một chút đã phải hụt hẫng ra về.
Ngay từ sáng sớm cuối tuần, tại các điểm tiêm chủng vắc xin trên địa bàn Hà Nội vẫn đông phụ huynh cho con đến tham dự. |
Anh Nguyễn Hoàng Long (nhà ở Thịnh Hào) không giấu nổi vẻ thất vọng cho biết: "Vì là cuối tuần nên vợ chồng tôi được nghỉ làm. Do đó mới có thời gian cho các cháu đi tiêm chủng vắc xin. Lần này là lần thứ 3 tôi đến đây rồi nhưng do đến muộn nên toàn hết vắc xin. Sáng nay đến đây chậm chân một chút thôi mà đã không còn được đến lượt ".
Nhiều phụ huynh chỉ chậm chân một chút như vợ chồng anh Long đã hết số thứ tự. |
Hỏi một y tá tại đây, nữ y tá này cho biết: "Hầu như cuối tuần nào cũng rất đông. Nếu hết số thứ tự thì các phụ huynh phải đợi đến 1h30 chiều". Câu trả lời của y tá khiến nhiều bậc phụ huynh từ những nơi khác đến đành phải "túi to, túi nhỏ" để chờ đến chiều lấy số thứ tự.
Về vấn đề Vắc-xin hiện nay, có hai loại vắc-xin dịch vụ đang được xếp vào loại khan hiếm là “5 trong 1” Pentaxim của Pháp (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn Hib) và “6 trong 1” Hexa-infarix của Bỉ (như “5 trong 1” và thêm khả năng phòng bại liệt). Các y tá tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thông báo: "Chúng đã hết từ đầu năm rồi, lấy đâu ra mà có. Chỉ còn loại Quinvaxem (nguồn gốc Hàn Quốc) là có nhưng không mấy ai tiêm".
Cô Nguyễn Hiền hôm nay cũng từ Bắc Giang lên Hà Nội sớm để đưa cháu đi tiêm vắc xin. Cô than thở: "Trước đây, nhà tôi vẫn hay cho cháu đi tiêm phòng vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” tại phường. Nhưng giờ nghe thấy nhiều rủi ro khi tiêm phòng vắc xin này quá, do đó cả nhà tôi cũng lo lắng và không dám liều cho cháu tiêm tại phường. Bởi thế, nghe ngóng mãi mới biết được chỗ tiêm dịch vụ này. Bà cháu tôi lặn lội từ Bắc Giang lên đây thì đã tạm ngừng phát vé rồi. Thôi đã lên tới nơi thì đành phải đợi thôi".
Cháu của bác Yến đã 1,5 tuổi nhưng mới chỉ tiêm được một mũi tổng hợp, còn 2 mũi nhắc lại vẫn chưa có vắc xin |
Bác Yến, trú tại phố Thái Hà cũng có mặt tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội để cho cháu đi tiêm chủng cũng phải về không.
Bác kể: "Cháu nhà tôi đã 1 tuổi rưỡi nhưng mới chỉ tiêm được một mũi tổng hợp. Còn hai mũi tiêm nhắc lại thì chẳng biết bao giờ mới có. Gia đình tôi đã chờ suốt cả năm nay rồi nhưng đến các trung tâm tiêm dịch vụ này lúc nào cũng chỉ nhận được câu: Hết vắc xin".
Bác Yến cho biết thêm, mỗi mũi tiêm tổng hợp "6 trong 1" ở đây có giá 700 ngàn đồng/tiêm 3 mũi. "Tuy nhiên, giờ có tiền cũng chưa chắc có thuốc để mà tiêm nữa" – Bác Yến lắc đầu ngao ngán.
Đồng quan điểm với bác Yến là chị Hà (Hai Bà Trưng). Hôm nay chị cho con trai 3 tuổi tiêm nhắc lại mũi sởi cho hay: “Mình rất may mắn khi con đã được tiêm đủ 3 mũi. Nhìn các gia đình chật vật tìm thuốc và chờ đợi để tiêm cho con mà thấy thương quá".
Con trai 3 tuổi nhà chị Hà may mắn hôm nay đã tiêm đủ mũi thứ 3. |
Đảo qua các điểm tiêm chủng dịch vụ thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - số 131 Lò Đúc; phòng tiêm chủng SAFPO - số 135 Lò Đúc; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - số 78 Giải Phóng; Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - số 70 Nguyễn Chí Thanh... đều nhận được câu trả lời tương tự. Điều này khiến cho các bậc cha mẹ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, chầu trực từng giây, từng ngày để có Vắc-xin tiêm cho con.
Lý giải về nguyên nhân thời gian vừa rồi liên tục hết vắc xin “5 trong 1” Pentaxim của Pháp và “6 trong 1” Hexa-infarix của Bỉ tại các địa điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn thành phố, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Hiện vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” đang rất khan hiếm. Thậm chí sang năm 2016 tình trạng này cũng không khả quan hơn”.
Ông Trần Đắc Nhu cho biết thêm: “Lý do thiếu 2 loại vắc xin này trong thời gian qua là vì nhu cầu tiêm chủng vắc-xin dịch vụ của người dân tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng rất cao.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất vắc-xin thay đổi địa điểm, dây chuyền, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và một số lô vắc-xin bị hỏng trong quá trình sản xuất... Điều này khiến việc cung ứng vắc-xin dịch vụ cho các điểm tiêm chủng dịch vụ bị thiếu hụt, không ổn định và thường xuyên hết vắc xin".
Lâm Tú
No comments:
Post a Comment