Wednesday, November 4, 2015

Doanh nghiệp được hỗ trợ công nghệ trong 'kết nối cung - cầu'

- Hoạt động "Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015" được tổ chức như thế nào thưa ông?

- Sự kiện kết nối cung cầu công nghệ năm nay chúng tôi tổ chức có cấu trúc nội dung tương đồng với thế giới, theo mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc... 150 khu trình diễn và 4 hội thảo sẽ kết nối các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển công nghệ; giải quyết nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, phát triển công nghệ từ các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp. Các chuyên gia sẽ tư vấn trực tiếp về kỹ thuật, công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tiếp cận sự hỗ trợ về tài chính từ các quỹ, chương trình quốc gia và ngân hàng.

Bộ Khoa học đã tổ chức 5 hội thảo nhóm ở Lạng Sơn, Nghệ An, TP HCM, Hà Nội nhằm chọn lọc các công nghệ giới thiệu, trình diễn tại sự kiện. Trong 150 khu trình diễn thì khu vực nước ngoài chiếm 1/3, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Các công nghệ này tập trung vào lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xử lý nền đất yếu phù hợp với Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Sự có mặt của nước bạn nhằm tạo sân chơi lành mạnh, từ đó kích thích nhà nghiên cứu Việt Nam đổi mới tư duy để hội nhập quốc tế.

- So với năm ngoái, kết nối cung cầu năm nay có gì mới?

- Thứ nhất là hoạt động tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình kỹ thuật, sản xuất và sản phẩm; bên cạnh đó còn tư vấn về quản lý, quản trị công nghệ. Với nội dung này, chuyên gia sẽ đưa ra 30 công nghệ với thời gian tối thiểu là một tiếng và kéo dài trong hai ngày.

Thứ hai là sự thay đổi trong hoạt động kết nối tài chính và công nghệ, nhằm giới thiệu các kênh hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi ứng dụng, đổi mới công nghệ. Năm nay sẽ có sự tham gia của các ngân hàng.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu giới thiệu công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn Nam Bộ. Chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong các lĩnh vực cũng sẽ tham gia nhằm giới thiệu bức tranh chung về kinh tế Việt Nam khi hội nhập sâu hơn với quốc tế và những yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp khi phải thay đổi sản phẩm, thay đổi công nghệ để thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Chúng tôi đã tìm kiếm chuyên gia giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp là ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông sẽ cập nhật thông tin mới nhất cho Việt Nam như hiệp định TPP và tác động của TPP đến xuất khẩu và sản phẩm trong nước.

doanh-nghiep-duoc-ho-tro-cong-nghe-trong-ket-noi-cung-cau

Ông Tạ Việt Dũng. Ảnh: Văn Nguyên.

- Techmart vừa diễn ra cũng có hình thức tương tự, đều nhằm kết nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Vậy điểm khác biệt ở đây là gì?

- Nội dung và cách thức tổ chức của hoạt động kết nối cung - cầu này khác so với Techmart. Mấu chốt là điều tra khảo sát, xác định nhu cầu thật của doanh nghiệp, từ đó phân loại và sàng lọc để xác định mong muốn đổi mới công nghệ ở những khâu nào. Tiếp đó, phải đi tìm kiếm đúng công nghệ theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Khi tìm kiếm xong phải cho hai bên ngồi lại với nhau để đàm phán. Ở đây, chúng tôi hỗ trợ các chuyên gia về pháp lý, công nghệ để có thể tư vấn cho bên mua hiểu sâu hơn trong quá trình đàm phán chuyển giao. Các chuyên gia pháp lý sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về hợp đồng chuyển giao công nghệ với nước ngoài như thế nào để giảm thiểu rủi ro.

Đối với các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tư vấn về mặt kỹ thuật để thay đổi một phần của công nghệ hoặc quy trình công nghệ, quản lý thì chúng tôi tìm kiếm chuyên gia để tư vấn cho họ. Các chuyên gia này phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó và nhất là phải có kinh nghiệm làm việc tại môi trường doanh nghiệp.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm đổi mới công nghệ của doanh nghiệp?

- Các doanh nghiệp quan tâm nhưng có sự khác nhau ở từng lĩnh vực. Vì vậy chúng tôi đã mời chuyên gia cung cấp bức tranh tổng thể khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để doanh nghiệp nhìn nhận khác hơn, từ đó mới có động lực đổi mới công nghệ và nhanh chóng tạo ra sản phẩm cạnh tranh với nước ngoài. Ví dụ, để xuất khẩu vào được châu Âu thì tất cả sản phẩm gốm sứ phải đạt được yếu tố về kỹ thuật và môi trường rất ngặt nghèo, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường.

- Kết quả thu được hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ từ năm 2010 đến nay như thế nào?

- Đến nay đã có hơn 800 hợp đồng chuyển giao công nghệ với 1.420 tỷ đồng ký kết. Trong đó có công ty Vinasee (hoạt động liên quan giống lúa) chuyển giao nhiều hợp động trị giá 500 tỷ đồng.

Hương Thu

No comments:

Post a Comment